Quảng cáo

Hãy cảm thông cho U23 Việt Nam - Lứa cầu thủ 'thiệt thòi'

Kiên Lê Kiên Lê
Thứ năm, 28/10/2021 13:50 PM (GMT+7)
A A+

Chỉ có được chiến thắng tối thiểu trước đội bóng yếu là U23 Đài Bắc Trung Hoa, U23 Việt Nam đã phải nhận không ít sự chỉ trích và hoài nghi tới từ người hâm mộ. Thế nhưng lỗi có thực sự nằm hết ở các cầu thủ và ban huấn luyện?

Kết thúc 90’ của trận ra quân ở vòng loại U23 châu Á 2022, U23 Việt Nam có được chiến thắng 1-0 trước Đài Bắc Trung Hoa nhờ pha lập công duy nhất của Văn Xuân. Với việc kỳ vọng vào 1 chiến thắng tưng bừng trước đối thủ yếu, đây là kết quá khó có thể làm các CĐV hài lòng. Tuy nhiên trước khi buông ra những lời trách móc hay so sánh, hãy thật sự thông cảm cho những sự thiệt thòi mà lứa cầu thủ này phải gánh chịu.

Thiệt thòi từ trong “trứng nước”

Bị đánh giá là kém tài năng hơn so với đàn anh, sự đầu tư và chuẩn bị cho lứa cầu thủ trẻ này cũng có nhiều vấn đề. Đừng quên rằng trước khi tạo nên kỳ tích ở Thường Châu, thế hệ vàng của chúng ta đã được tập huấn ở châu Âu, được đôn lên đá V-League khi mới chập chững chơi chuyên nghiệp. Còn tất cả những gì lứa U23 này có được là chuyến tập huấn ngắn ngày ở UAE, không 1 giải đấu quốc tế, thường xuyên ngồi dự bị ở CLB và vài trận đá tập nội bộ với ĐTQG.

Sự đứt gãy thế hệ cũng là điều dễ nhận thấy khi chỉ có vài trụ cột đã được thử lửa ở các giải đấu trước như Văn Toản, Việt Anh, Văn Xuân…. còn lại thì đều chưa thực sự nổi bật. Không may mắn như Công Phượng, Quang Hải đã được làm việc với ông Park ngay từ ngày đầu, lứa U23 này cũng không nhận được sự chỉ đạo sát sao. Thời gian làm việc ngắn cộng với việc chiến lược gia 64 tuổi phải kiêm nhiệm cả ĐTQG lẫn U23 khiến cho đội hình hiện tại chưa thực sự thấm nhuần triết lý chơi bóng của HLV người Hàn Quốc.

Sẽ không quá lời khi nói rằng đội U23 năm nay là lứa trẻ bị xáo trộn nhân sự nhiều nhất. Không có lực lượng nòng cốt hay những cá nhân thật sự xuất sắc, mỗi lần tuyển quân cho U23 Việt Nam đều theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ”. Thực tế, ngay cả giới chuyên môn cũng khó thể nắm rõ được quá 10 cái tên đang nằm trong danh sách chính thức tham dự vòng loại U23 Châu Á 2022.

Nhìn vào danh sách 23 cái tên cuối cùng được ông Park lựa chọn thì ngoài Viettel và Hà Nội, không có CLB nào đóng góp nhiều hơn 1 cầu thủ. Điều này đồng nghĩa với việc thành phần U23 năm nay đến từ rất nhiều đội bóng khác nhau, trải dài từ V-League tới cả hạng Nhất, hạng Nhì và chỉ 1 vài cầu thủ trong số đó đã từng có thời gian chơi cùng nhau ở các cấp trẻ. Cộng với việc đây là giải đấu quốc tế lớn đầu tiên họ được chơi cùng nhau, việc vấp váp ở ngày ra quân cũng không phải là điều bất ngờ. 

Ảnh hưởng từ dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành đã khiến cho cơ hội thi đấu cọ xát của U23 Việt Nam với những đối thủ quốc tế gần như bằng không. Thậm chí mỗi lần triệu tập ĐTQG, ông Park cũng đồng thời triệu tập cả đội U23 để cho các cầu thủ trẻ có cơ hội đá giao hữu với những người đàn anh của mình.

Trước khi vòng loại U23 châu Á 2022 diễn ra, những Văn Xuân, Hai Long chỉ có duy nhất chuyến tập huấn ít ngày tại UAE cùng hai trận giao hữu với U23 Tajikistan và U23 Kyrgyzstan. Nếu quan sát kỹ cả đối thủ lẫn điều kiện sân bãi của chuyến tập huấn này đều không có chất lượng cao. Các cầu thủ có quá ít trận đấu cùng nhau và gần như tập chay hơn 1 năm trời vì thế không có thời gian để sửa lỗi và hoàn thiện mình. Thậm chí họ còn phải chờ đội tuyển thực hiện xong 2 lượt trận ở vòng loại World Cup thì mới có được lực lượng đầy đủ nhất.

Không chỉ ít cơ hội cọ xát quốc tế, những cầu thủ trẻ của chúng ta cũng không có mấy dịp thể hiện mình ở ngay trong nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, các giải VĐQG phải bỏ dở giữa chừng vì ảnh hưởng của Covid. Khi đó V-League mới thi đấu được 12 vòng còn Hạng Nhất là 7 vòng. Nạn nhân của câu chuyện này có thể kể tới như Dụng Quang Nho của HAGL hay Nguyễn Hồng Sơn của Hà Nội. Họ từng được coi như trụ cột thế nhưng việc không được thi đấu thường xuyên đã khiến cho cả 2 sớm bị loại ra khỏi danh sách tập huấn ở UAE.

Thậm chí kể cả khi giải đấu có được diễn ra bình thường, cơ hội ra sân của những sao mai này là không cao. Ngay cả những trụ cột quan trọng nhất của U23 hiện tại như Hữu Thắng, Thanh Bình hay Xuân Tú cũng chả mấy khi được đá chính ở CLB chủ quản của mình, trong khi 1 số khác thì được đem cho mượn ở các giải hạng dưới.

Áp lực từ truyền thông, người hâm mộ

Có lẽ cứ nhắc tới U23, nhiều khán giả lại nghĩ ngay tới kỳ tích Thường Châu cùng vô vàn thành tích khác mà lứa cầu thủ vàng này đã đạt được trong 3 năm trở lại đây. Điều này không sai nhưng lại vô tình trở thành áp lực đè nặng lên lứa cầu thủ hiện tại. Có quá nhiều sự so sánh đi cùng với kỳ vọng với những sao mai của chúng ta ngay cả khi giải đấu chưa bắt đầu.

Dường như cái bóng của các đàn anh đi trước đã quá lớn và khiến cho họ cảm giác luôn bị thua thiệt và không tự tin. Ở cấp CLB, Văn Xuân cũng chỉ được đá chính khi Hà Nội thiếu đi Văn Hậu. Còn ở Viettel, Thanh Bình hay Hữu Thắng luôn phải ngồi dự bị và nhìn những Hoàng Đức, Bùi Tiến Dũng tỏa sáng trên sân. 

Chính HLV Park Hang Seo đã phát biểu sau trận đấu rằng đừng nên so sánh lứa cầu thủ của trước đây so với lứa cầu thủ bây giờ. Có lẽ điều mà người hâm mộ nên làm bây giờ vẫn là tin tưởng và động viên khi các cầu thủ vẫn còn rất trẻ và còn nhiều cơ hội phát triển ở phía trước. 

HLV Park Hang-seo nói: “Trong bóng đá, chúng ta không dự đoán được trước. Điều đó tôi nghĩ không quan trọng, dù sao chúng tôi cũng giành được 3 điểm. Với tôi đó mới là điều quan trọng”. 

U23 Việt Nam U23 Châu Á 2022 U23 Việt Nam 1-0 U23 Đài Loan
Xem thêm