Quảng cáo

Bóng đá Việt Nam 2020: Không chỉ có nốt thăng!

Phong Vũ Phong Vũ
Thứ năm, 31/12/2020 07:56 AM (GMT+7)
A A+

Năm 2020, bóng đá Việt Nam trải qua một năm khá nhiều biến động với sự ảnh hưởng từ Covid-19. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại 10 điểm nhấn đáng chú ý nhất của bóng đá nước nhà trong suốt một năm qua.

1. Các giải Quốc tế của ĐTQG bị hủy

Với ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, các giải đấu Quốc tế trong năm 2020 như vòng loại World Cup 2022, AFF Cup đều bị dời lịch sang năm sau. Chính vì thế trong suốt năm 2020, ĐTQG không có một trận đấu chính thức nào. Những ngày cuối năm, HLV Park Hang Seo buộc phải để U22 Việt Nam và ĐTQG giao hữu với nhau trên sân Cẩm Phả và Việt Trì.

Phải chờ đến tháng 3 năm sau vòng loại World Cup 2022 quay trở lại và người hâm mộ mới được xem ĐTQG thi đấu một trận chính thức.

2. ĐTQG Việt Nam đứng đầu ĐNÁ trong vòng 12 tháng liên tiếp

Những thành tích trong năm 2019 cùng với đó là việc các giải đấu trong năm 2020 bị hủy hoặc hoãn, ĐTQG Việt Nam vẫn giữ vững vị trí số 1 của mình ở khu vực Đông Nam Á. Tháng 12/2020, ĐTQG Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 93 trên bảng xếp hạng thế giới.

2. U23 Việt Nam bị loại sớm ở U23 Châu Á

U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo đã phải dừng bước sớm tại giải U23 Châu Á. Dù được đặt nhiều kỳ vọng với lứa cầu thủ vừa lên ngôi vô địch SEA Games 22 trước đó, tuy nhiên các nhà Á quân U23 Châu Á 2018 lại không có được thành tích tốt tại vòng bảng khi để thua 1 trận và hòa 2 trận.

3. V-League thay đổi thể thức

Với những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến các giải đấu quốc nội buộc bị hoãn. Khi bóng đá trở lại, dưới điều kiện thời gian eo hẹp, các nhà lãnh đạo của bóng đá Việt Nam đã buộc phải thay đổi để phù hợp với tình hình. Vậy là một thể thức mới được áp dụng cho cả V-League và hạng Nhất Quốc gia.

Các đội bóng sẽ thi đấu xong 13 trận của giai đoạn lượt đi sau đó sẽ chia thành nhóm đua vô địch (8 đội dẫn đầu) và nhóm trụ hạng (6 đội xếp sau). Như vậy các đội nhóm A sẽ chỉ phải đá  20 trận trong khi đó nhóm B là 18 trận.

Cũng ở thể thức mới này, sẽ chỉ có một đội ở V-League phải xuống chơi ở hạng Nhất Quốc gia 2021.

4. Sân Thiên Trường lập kỷ lục khán giả tới sân thời Covid-19

 Trong bối cảnh nhiều giải đấu trên khắp thế giới bị hoãn, hủy hoặc thi đấu không khán giả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì ở Việt Nam, bóng đá trở lại và khán giả được phép tới sân theo dõi.

Đã có 10.000 khán giả được phép vào sân Thiên Trường trong ngày bóng đá trở lại khi Nam Định đối đầu HAGL ở Cúp Quốc Gia. Sân Thiên Trường khi ấy khiến cả thế giới nhìn vào và ngưỡng mộ.

5. Viettel lên ngôi vô địch V-League

Chỉ mất hai năm sau khi lên hạng, “hậu duệ Thể Công” đã phá vỡ thế độc tôn của Hà Nội FC ở sân chơi V-League. Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đã có một giai đoạn 2 V-League 2020 đầy ấn tượng khi giành tới 6 chiến thắng, trong đó có 5 chiến thắng 1-0.

Trong danh sách rút gọn của danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2020, Viettel cũng đóng góp 3 cái tên là Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải và Trọng Hoàng.

7. Bình Định trở lại sân chơi V-League, Quảng Nam xuống hạng

Ba năm sau ngày vô địch ở V-League 2017, Quảng Nam xuống hạng trong sự tiếc nuối của nhiều người hâm mộ. Quảng Nam đã chiến đấu đến những phút cuối cùng, tuy nhiên việc kém Nam Định về chỉ số phụ khiến đội bóng xứ Quảng phải xuống chơi ở giải hạng Nhất mùa bóng năm sau.

Thế chỗ cho Quảng Nam ở sân chơi V-League là CLB Bình Định. Sau 12 năm ròng rã, chiến đấu như một chiến binh, Bình Định đã lên ngôi Vô địch giải hạng Nhất Quốc gia 2020. Chiến thắng 1-0 trước Phố Hiến ở vòng đấu cuối cùng khiến cả SVĐ Quy Nhơn gần như nổ tung.

Đội bóng của HLV Đức Thắng đã có giai đoạn nước rút ấn tượng với 9 trận bất bại liên tiếp trong đó có những thắng lợi quan trọng trước các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa.

8. PVF vô địch 4/8 giải trẻ toàn quốc

PVF tiếp tục chứng minh mình là lò đào tạo bóng đá trẻ số 1 Việt Nam. Trong năm 2020, đội bóng có trụ sở tại Hưng Yên đã vô địch tới 4 trên tổng số 8 giải trẻ, bao gồm: U15 Quốc gia, U19 Quốc gia, U15 Cúp Quốc gia và U17 Cúp Quốc gia.

Mới đây, Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF cũng đã làm lễ tốt nghiệp và chuyển giao 20 cầu thủ cho các đội bóng ở V-League cũng như giải hạng Nhất Quốc gia.

9. Kiatisak trở lại ngồi "ghế nóng" của HAGL

Những tháng cuối năm 2020, người hâm mộ HAGL nói riêng và bóng đá nói chung hào hứng trước thông tin huyền thoại bóng đá Thái Lan – Kiatisak trở về dẫn dắt HAGL. Kiatisak từng có chuỗi ngày “đẹp như mơ” với đội bóng phố Núi khi còn là cầu thủ.

Sự trở lại của cựu HLV trưởng ĐTQG Thái Lan được kỳ vọng sẽ giúp HAGL thay đổi mạnh mẽ sau những năm tháng chỉ lo trụ hạng và “đá cho vui”. Người hâm mộ và giới chuyên môn hy vọng rằng dưới sự chỉ đạo của Kiatisak, lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn,… sẽ phát huy được hết khả năng của mình.

Không chỉ Kiatisak, một sự trở về đáng được chờ đợi nữa là Lee Nguyễn. Cầu thủ Việt kiều này sẽ đầu quân cho CLB TP. Hồ Chí Minh bắt đầu từ V-League 2021.

10. Bầu Đệ xin từ chức chủ tịch CLB Thanh Hóa

Sau nhiều năm đồng hành cùng bóng đá Thanh Hóa,  bầu Đệ đã quyết định xin từ chức. Lý do được ông bầu "điều tiếng nhất V-League" đưa ra là: "Sự nghiệp bóng đá của Thanh Hóa là lâu dài. Tôi có tuổi rồi nên tự giác mà nghỉ thôi. Nghỉ lúc dân đang mến, chính quyền đang tín nhiệm nhưng nghỉ để cho thế hệ sau, cho người mới họ làm. Mong được mọi người ủng hộ".

Một năm đầy biến động với bóng đá Việt Nam đã đi qua. Hy vọng rằng trong năm 2021, đại dịch Covid-19 sẽ hoàn toàn được kiểm soát và bóng đá sẽ khởi sắc trở lại.

Thầy cũ Công Phượng tiết lộ 'sai lầm đáng tiếc nhất cuộc đời' với HAGL

Video: Hà Nội tích cực luyện tập trước trận gặp Bình Định (Nguồn: Hanoi Football Club)

Viettel ĐTQG Bóng đá Việt Nam V-League
Xem thêm