7 dấu hiệu cho thấy bạn đang “nạp” vào cơ thể quá nhiều protein và cách khắc phục

Mạc Thu Trang Mạc Thu Trang
Thứ năm, 29/04/2021 13:51 PM (GMT+7)
A A+

Ăn quá nhiều protein không giúp bạn xây dựng cơ bắp hiệu quả mà nó còn khiến cơ thể gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe.

Chế độ ăn giàu protein thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, đốt nhiều năng lượng hơn, tan mỡ nhanh hơn, cơ bắp săn chắc hơn nhưng nó chỉ tốt hơn với những người thường xuyên tập luyện, vận động. Nếu gặp 7 dấu hiệu dưới đây, bạn hãy xem xét lại chế độ ăn uống của mình và điều chỉnh lại lượng protein nạp vào cơ thể cho phù hợp.

1. Cơ thể bị mất nước

Nước là yếu tố quan trọng để tiêu thụ protein. Mất nước là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang quá tải protein. Tình trạng mất nước xảy ra khi thận phải làm việc quá mức vì phải xử lý nito – một phụ phẩm sinh ra sau quá trình chuyển hóa protein và đào thải lượng protein dư thừa. Hậu quả là bạn sẽ cảm thấy hay khát nước, tổn hại đến thận và dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận.

Cách khắc phục: Hãy chắc chắn bạn luôn bổ sung đầy đủ lượng nước cho cơ thể. Tránh các thực phẩm mặn hoặc chứa caffeine gây mất nước cho cơ thể.

2. Mất tập trung

Glucose là nguồn nhiên liệu chính cho não. Nếu sự gia tăng protein trong chế độ ăn uống thay thế lượng carbohydrate lành mạnh, não của bạn có thể không nhận được đủ nhiên liệu để hoạt động dẫn đến việc mất tập trung. Nếu bạn bị quá tải protein trong thời gian dài và amoniac bắt đầu tích tụ trong máu, bạn có thể cảm thấy bị chóng mặt hoặc mất phương hướng.

Cách khắc phục: Nếu bạn cảm thấy khó tập trung, hãy nạp carb nhanh để não phục hồi. Tuy nhiên, nếu triệu chứng chóng mặt và mất phương hướng ngày càng nặng thì bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

3. Tăng cân, béo phì

Nếu bạn không kiểm soát chế độ ăn uống của mình cẩn thận thì việc ăn quá nhiều protein có thể khiến bạn tăng mỡ do lượng calo dư thừa hoặc mắc bệnh béo phì, tiểu đường.

Cách khắc phục: Hạn chế ăn những thực phẩm chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ. Điều chỉnh thực đơn một cách khoa học cho toàn bộ chế độ ăn uống của bạn để tiêu thụ protein cùng carb và chất béo lành mạnh cân bằng nhất.

4. Ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện

Khi nạp nhiều protein, bạn thường có xu hướng giảm tiêu thụ carb hoặc chất béo khiến cường độ và hiệu suất tập luyện bị ảnh hưởng xấu.

Cách khắc phục: Chia đều lượng protein cho các bữa ăn và đồ ăn nhẹ để cơ thể kịp thời hấp thụ, tăng cường năng lượng và chất béo lành mạnh trong mức độ cho phép.

>>> Xem ngay Những thực phẩm tốt nhất hỗ trợ phục hồi cơ bắp sau khi tập gym mà bạn cần bổ sung vào chế độ dinh dưỡng.

5. Táo bón

Chế độ ăn kiêng giàu protein, low carb thường ít chất xơ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém và cơ thể dễ bị táo bón.

Cách khắc phục: Bạn nên tăng lượng chất lỏng và tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt khi có những dấu hiệu táo bón đầu tiên. Sau đó, hãy điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bổ sung nhiều chất xơ từ rau xanh và trái cây đến khi các triệu chứng giảm bớt.

6. Hôi miệng

Chế độ ăn kiêng low carb thường có lượng protein cao khiến đường tiêu hóa hoạt động kém và có thể gây hôi miệng.

Cách khắc phục: Bạn nên sử dụng dụng cạo lưỡi, đánh răng thường xuyên và sử dụng nước súc miệng để loại bỏ chứng hôi miệng khi ăn nhiều thực phẩm chứa protein.

7. Sỏi thận

Các nhà nghiên cứu cho biết, chế độ ăn giàu protein có khả năng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi trong đường tiết niệu. Nói một cách đơn giản, mất nước và thừa canxi trong nước tiểu có thể dẫn đến sỏi thận.

Cách khắc phục: Để duy trì sự cân bằng axit – bazơ và ngăn ngừa sự hình thành sỏi trong cơ thể, các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên ăn nhiều loại trái cây và rau xanh chứa kali, bổ sung glutamine hoặc natri bicarbonate.

Protein giúp hỗ trợ xây dựng cơ bắp và đốt cháy mỡ thừa hiệu quả nhưng ăn quá nhiều protein cũng khiến bạn gặp nhiều vấn đề xấu về sức khỏe. Hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để cơ thể khỏe mạnh.

protein cơ bắp
Xem thêm