Cuộc chia tay trong ồn ào giữa Blizzard và NetEase tại thị trường Trung Quốc

Rain Rain
Thứ tư, 25/01/2023 22:50 PM (GMT+7)
A A+

Những nước đi nóng vội gần đây của Blizzard có thể khiến họ vĩnh viễn mất đi thị trường Trung Quốc đầy béo bở.

Những ngày gần đây, vụ việc hai ông lớn trong ngành game thế giới là Blizzard và NetEase mâu thuẫn với nhau đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Được biết, Blizzard đã thất bại trong việc cố gắng gia hạn thỏa thuận hợp tác của đôi bên thêm 6 tháng, điều này đồng nghĩa với việc các tựa game mà họ đang phát hành tại thị trường Trung Quốc sẽ phải đóng cửa từ ngày 24/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả công ty lẫn cộng đồng người chơi.

Mối quan hệ vốn tốt đẹp của Blizzard và NetEase bỗng trở nên "cơm không lành, canh chẳng ngọt" kể từ cuối năm 2022, khi thỏa thuận phát hành tới hạn, nhưng không thể tái ký. Phía Blizzard đơn giản là muốn nhiều tiền hơn và không đồng ý với mức chia hiện tại trong hợp đồng, với lý do doanh thu sụt giảm, họ từ chối gia hạn hợp đồng để tìm kiếm nhà phát hành mới. Ở chiều ngược lại, NetEase buộc tội Blizzard "chơi không đẹp" và làm trái với đạo đức kinh doanh khi cố gắng ký một thỏa thuận phát hành 3 năm với công ty khác ở sau lưng họ. Kết quả là trong khi Blizzard chưa tìm được nhà phát hành mới, NetEase từ chối gia hạn hợp đồng 6 tháng, chấp nhận kiếm ít tiền hơn để dạy cho đối tác từ Hoa Kỳ một bài học.

Mâu thuẫn giữa đôi bên leo thang tới đỉnh điểm khi một trong những studio của NetEase đã livestream trực tiếp cảnh phá dỡ mô hình World of Warcraft ngay tại trụ sở chính ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang. Đây rõ ràng là một động thái vỗ mặt tới từ NetEase, cho thấy họ muốn rũ sạch mối quan hệ với Blizzard, và không ngại ngần công khai điều đó trước công chúng.

Với những fan hâm mộ lâu năm của Blizzard tại Trung Quốc, màn chia tay ồn ào này đã để lại cho họ rất nhiều nỗi buồn, sự tiếc nuối, và trên hết là cả sự tức giận, bởi nhà phát triển này rõ ràng đã quá quan tâm tới lợi nhuận mà bỏ mặc người chơi.

Quay ngược thời gian trở về quá khứ nhiều năm về trước, mối quan hệ giữa NetEase và Blizzard từng tốt đẹp hơn rất rất nhiều. CEO của NetEase - ông William Ding Lei hồi đó nhận thấy tiềm năng to lớn của World of Warcraft khi tựa game này được đón nhận rộng rãi tại thị trường Trung Quốc. Ban đầu, NetEase không phải là nhà phát hành chính thức của WoW tại Trung Quốc, mà là một công ty khác mang tên The9.

Được biết, The9 đã thu về tới 1.5 triệu người dùng trả phí trong tháng đầu tiên và 265 triệu USD doanh thu trong năm 2008 ngay trước khi chuyển giao quyền phát hành cho NetEase (265 triệu USD là khoảng 10% tổng doanh thu ngành game tại Trung Quốc ở thời điểm đó).

NetEase và Blizzard hợp tác với nhau kể từ năm 2008, bắt đầu với các tựa game như StarCraft II, Warcraft III rồi đến cả nền tảng Battle.net. Một năm sau, họ tiếp quản World of Warcraft từ The9, và dần dần trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Blizzard tại thị trường Trung Quốc, phát hành luôn các bom tấn như Overwatch, Hearthstone và Heroes of the Storm.

Blizzard mang tới cho NetEase những sản phẩm chất lượng và doanh thu khổng lồ. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ bắt đầu rạn nứt kể từ mùa hè năm 2022. Khi đó, Blizzard hủy bỏ dự án World of Warcraft Mobile, khiến NetEase buộc phải giải tán đội ngũ hơn 100 nhân viên và chịu thua lỗ. Sản phẩm game mobile tiếp theo tới từ Blizzard - Diablo Immortal mặc dù đem lại doanh thu khủng nhưng lại bị game thủ trên toàn thế giới chỉ trích. Tại Trung Quốc, NetEase cũng dính tai bay vạ gió, nên mặc dù có tiền, nhưng danh tiếng của họ lại bị ảnh hưởng đáng kể.

Những sự việc kể trên, cộng thêm việc Blizzard vướng phải những lùm xùm quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc đã khiến game thủ mất dần niềm tin vào nhà phát triển này. Những năm gần đây, các thương hiệu cũ của họ như Starcraft, Diablo và Hearthstone ngày càng đi xuống, cho thấy sự lụi tàn chỉ là sớm muộn. Việc Blizzard chấm dứt hợp đồng rõ ràng là giọt nước tràn ly, khiến NetEase chỉ muốn rời khỏi con tàu đắm này càng nhanh càng tốt.

Siêu xạ thủ LMHT chuyển nghề làm shipper trong lúc nghỉ thi đấu

Xem thêm