Tencent vượt mặt Microsoft, vươn lên trở thành công ty game lớn nhất thế giới

Rain Rain
Thứ ba, 09/08/2022 10:08 AM (GMT+7)
A A+

Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi, Tencent liên tục thực hiện các phi vụ trong lặng vẽ để vượt qua cả Microsoft lẫn Sony.

Trong năm vừa qua, cộng đồng game thủ thế giới đã được chứng kiến những thương vụ thâu tóm đình đám trong lịch sử làng game bao gồm việc Microsoft mua lại Activision Blizzard (68.7 tỷ USD) và Sony mua lại Bungie (3.7 tỷ USD).

Cuộc chạy đua "cá lớn nuốt cá bé" này đã làm dấy lên câu hỏi "liệu ông lớn nào mới là người đứng đầu ngành công nghiệp game?". Trong khi các fan của XBOX và PS đang mải mê cãi nhau về việc hãng của ông hay hãng của tôi là nhất thì Tencent, bằng những thương vụ lặng lẽ nhưng hiệu quả, đã xuất sắc vượt qua tập đoàn của Bill Gates để vươn lên vị trí dẫn đầu.

Tencent - Sát thủ lặng lẽ

Theo trang tin Nikkei của Nhật Bản, Tencent đã âm thầm thực hiện hơn 180 thương vụ mang tính chiến lược để thâu tóm những công ty game tiềm năng trên toàn thế giới.

Vào năm ngoái, doanh thu mảng trò chơi của tập đoàn này đạt 32.2 tỷ USD, gần bằng cả Sony lẫn Microsoft cộng lại (18.2 và 15.3 tỷ USD).

Bên cạnh đó, công ty cũng đang định phát hành bản quốc tế của Vương Giả Vinh Diệu - con gà đẻ trứng vàng đã mang về cho họ hơn 14 tỷ USD sau 7 năm ra mắt.

Nếu dự án này thành công, họ có thể hợp nhất Liên Quân Mobile và Vương Giả Vinh Diệu làm một, tăng lượng người chơi lên mức khổng lồ và bắt đầu hướng mũi nhọn ra các thị trường khác ngoài Châu Á.

Rào cản ở thị trường Trung Quốc

Tại thị trường nội địa, chính phủ đang ngày càng thắt chặt các quy định liên quan đến việc chơi game của trẻ em - đối tượng khách hàng tiềm năng của Tencent.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng ngừng phê duyệt các tựa game mới trong thời gian rất dài. Tencent, mặc dù là một công ty trụ cột của nền kinh tế, cũng chẳng hề được châm chước và đành phải ngậm ngùi nhìn thị trường game đóng băng.

Mặc dù những tựa game mới đã được phê duyệt trở lại trong thời gian gần đây, nhưng những yêu cầu quá ngặt nghèo về mặt nội dung cũng khiến cho các nhà phát triển / phát hành phải e dè.

Bạn sẽ phải sửa những tựa game cũ rất nhiều (hoặc toàn bộ) để thông qua hết các quy định trước khi đến được tay công chúng. Trong khi đó, yêu cầu hà khắc bóp nghẹt sự sáng tạo của những nhà phát triển, giới hạn đề tài và thay đổi hoàn toàn phong cách thiết kế trò chơi của họ.

Điên cuồng thâu tóm

Hết hy vọng vào thị trường trong nước, Tencent hướng sự chú ý của họ tới các thị trường quốc tế béo bở, đặc biệt là phương Tây (nơi sở hữu các studio game lâu đời với công nghệ tốt nhất và các tựa game hay nhất).

Trong những năm vừa qua, họ đã thâu tóm hàng loạt tên tuổi lớn như Epics Games (cha đẻ của Fornite), Krafton (PUBG), Riot Games (Liên Minh Huyền Thoại), Supercell (Clash of Clans), ...

Có thể bạn chưa biết, Kadokawa - công ty mẹ của FromSoftware (Elden Ring) cũng đã thuộc sở hữu của Tencent. Do đó về cơ bản, họ là cái tên đứng sau sự thành công của tựa game hay nhất năm 2022.

Với những thương vụ thâu tóm không ngừng nghỉ, Tencent đã và đang sở hữu ngày càng nhiều tài sản ở nước ngoài và trở thành một công ty toàn cầu. Theo số liệu của Nikkei, 40% thương vụ đầu tư của Tencent nửa đầu năm 2022 nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, cao hơn gấp đôi so với con số 18% năm ngoái.

Rõ ràng là trong thời gian tới đây, Tencent sẽ ngày càng đẩy mạnh việc mua lại các công ty nhỏ và tiếp tục hướng việc đầu tư của họ tới các thị trường quốc tế thay vì nội địa.

Nạp 2 tỷ vào Diablo Immortal, game thủ phải chơi một mình vì quá mạnh

Tencent Microsoft game công ty
Xem thêm