Khó khăn trong việc tìm lứa kế cận các tài năng cầu lông trẻ sau thời Nguyễn Tiến Minh

Trung Hiếu Trung Hiếu
Thứ ba, 22/03/2022 20:20 PM (GMT+7)
A A+

Sau thời đỉnh cao của tay vợt số 1 lịch sử cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh, liên đoàn cầu lông Việt Nam vẫn đang “mắc kẹt” trong việc tìm kiếm tài năng mới nối tiếp thành công của đàn anh.

Cầu lông Việt Nam đang “chật vật”

Trong vài năm trở lại đây, bộ môn cầu lông Việt Nam chưa có một bước tiến thực sự đáng kể nào, đặc biệt là việc tìm kiếm một ngôi sao mới. Kể từ khi Nguyễn Tiến Minh bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, đạt được đỉnh cao sự nghiệp cho đến ở bên kia sườn dốc, vẫn chưa có một tay vợt nào đủ khả năng đánh bại và vượt mặt Tiến Minh.

Trước đây, đã một số VĐV trẻ được kỳ vọng sẽ tiếp bước thành công của đàn anh như Nguyễn Hoàng Nam, Phạm Cao Cường, Lê Hà Anh. Có những bước khởi đầu khá tốt và sự nghiệp dần thăng tiến, tuy nhiên, vì chấn thương hay thiếu điều kiện luyện tập mà các VĐV này dần chững lại và không có sự đột phá quá lớn sau này.

Nên nhớ rằng, Tiến Minh hiện tại đã sắp bước sang tuổi 39, thời gian thi đấu không còn nhiều nữa, vì vậy việc thiếu lớp kế cận xứng đáng đang trở thành nỗi lo ngại đối với sự phát triển chung của cầu lông nước nhà hiện tại.

Hai ba năm trở lại đây, làng cầu lông trẻ Việt Nam xuất hiện một tài năng mới, được ví von như “Momota của Việt Nam”, đó chính là Nguyễn Hải Đăng. Là học trò được dẫn dắt bởi chính Nguyễn Tiến Minh, chàng trai sinh năm 2000 được hy vọng sẽ đem làn gió mới cho cầu lông nước nhà, tuy nhiên, sự phát triển của Đăng sau này thì cần phải chờ một thời gian nữa.

Thiếu lớp kế cận - lý do tại sao?

Nhìn nhận một cách thực tế rằng, cầu lông Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức cũng như có đường hướng phát triển rõ ràng như một số bộ môn khác.

Vậy lý do gì khiến cầu lông Việt Nam chật vật như vậy?

Lý do rõ ràng nhất chính là trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất luyện tập chưa thực sự đảm bảo. Hiện tại, các nơi tập luyện liên quan đến cầu lông không có quá nhiều, vì vậy các VĐV không có nhiều điều kiện để có thể phát huy khả năng. Cầu lông cũng không thực sự được quan tâm nhiều như một số bộ môn chủ chốt như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh… do đó bộ môn này dường như bị “ngó lơ”.

Thứ hai, việc theo đuổi bộ môn cầu lông tốn khá nhiều chi phí. Từ việc mua cầu, thay thế các loại vợt khác nhau đã “ngốn” kha khá lương lậu cũng như tiền thưởng. Liên đoàn cầu lông Việt Nam cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức tới sự phát triển cầu lông nước nhà. Ngay cả như Tiến Minh, chi phí cho việc tập luyện, thi đấu gần như là do gia đình anh tự lo.

Vì thế, việc không có lớp kế cận là điều dĩ nhiên.

Đứng trước sự chững lại, liên đoàn cầu lông Việt Nam cần có những biện pháp khắc phục nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các VĐV nhằm đưa bộ môn này ngày càng phát triển.

Theo kế hoạch tại SEA Games 31, bộ môn cầu lông sẽ diễn ra từ ngày 16 cho đến ngày 22 tháng 5 tại Nhà thi đấu Bắc Giang. Trước đó, ban huấn luyện cùng tập thể VĐV đã đến Bắc Giang vào 20/3 để chuẩn bị tập luyện và làm quen với sân tập. Đối mặt với những ứng cử viên huy chương rất mạnh từ Malaysia, Indonesia, đoàn Việt Nam sẽ cố gắng đạt thành tích tốt nhất có thể.

cầu lông cầu lông việt nam Nguyễn Tiến Minh SEA Games
Xem thêm