Lương bổng trong hệ thống bóng chuyền nước nhà: Nỗi trăn trở bấy lâu của các VĐV

Trung Hiếu Trung Hiếu
Thứ năm, 24/03/2022 19:57 PM (GMT+7)
A A+

Một sự thật đáng buồn là ngoại trừ bóng đá, hầu hết các VĐV từ các bộ môn khác, trong đó có bóng chuyền, mức lương không thực sự cao. Điều này dẫn đến việc nhiều VĐV không thực sự thoải mái trong chi tiêu hàng ngày.

Mức lương trung bình với VĐV là bao nhiêu?

Tính chung cả các VĐV bóng chuyền nam và nữ, thì mức thu nhập trung bình là không thực sự cao, thường chỉ tầm 10 - 15 triệu đồng. Ngoại trừ những VĐV đến từ những CLB hàng đầu trong nước như Thông tin FLC, VTV Bình Điền Long An, Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa, hầu hết các cầu thủ ở những CLB tầm trung khác chỉ có mức thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống. Đó là còn chưa kể những người không được thi đấu trên sân, thời gian chủ yếu dự bị bên ngoài, thì lương còn kém hơn nữa.

Thực tế mà nói, lương bổng từ các VĐV bóng chuyền so với một số bộ môn khác không hẳn là quá thấp. Tuy nhiên, so với môn thể thao có lượng fan hâm mộ cũng như sự quan tâm truyền thông chỉ đứng sau bóng đá, thì mức lương đấy không thực sự quá “khủng” như nhiều người tưởng tượng.

Đây cũng chính là thực trạng chung của hầu hết các VĐV ở các bộ môn khác. Khi sự quan tâm từ cánh báo chí cũng như khán giả hầu hết dồn vào bóng đá nam, lẽ dĩ nhiên, các nhà tài trợ cũng bỏ ra một khoản tiền hậu hĩnh để bỏ ra cho các VĐV bóng đá. Điều này vô hình chung đã tạo ra một sự chênh lệch giữa bóng đá với các môn thể thao khác, trong đó có cả bóng chuyền.

Bài toán khó mang tên “nhà tài trợ”

Có thể nói rằng, nhà tài trợ chính là yếu tố sống còn quyết định sự sống của một CLB. Có được thành tích tốt, có lượng fan hâm mộ trung thành và đông đảo, tiềm năng phát triển trong tương lai, những điều đó sẽ quyết định nhà tài trợ có tiếp tục gắn bó CLB hay không.

Quan trọng hơn, nhà tài trợ cũng chính là một trong nhân tố chính trong việc quyết định lương bổng của các VĐV cao hay thấp. Do đó, các CLB bóng chuyền luôn vô cùng cạnh tranh trong mỗi giải đấu nhằm có thứ hạng tốt nhất có thể, điều này giúp níu chân các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ lương bổng cho các cầu thủ.

Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, tại giải đấu bóng chuyền trong nước quan trọng nhất - giải VĐQG, mức tặng thưởng cho các CLB và VĐV thấp đến khó tin. Vào năm 2015, tổng mức thưởng cho cả nam và nữ chỉ vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng, thậm chí đã tính gộp cả giải thưởng cá nhân cho các cá nhân xuất sắc. Đến năm 2019-2020, mặc dù giải thưởng đã tăng lên, tuy nhiên so với tinh thần tham gia của các đội hay sự quan tâm thì mức thưởng này còn khá khiêm tốn, điều này cũng ảnh hưởng tới thu nhập VĐV.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng gần đây cho các cầu thủ bóng chuyền hiện tại khi giải VĐQG vừa rồi, nhờ có thêm Bamboo Airways trở thành nhà tài trợ, cùng với đó là sự hỗ trợ từ ông bầu Đào Hữu Huyền của Hóa chất Đức Giang, mức tiền thưởng này đã tăng mức kỷ lục khi lên tới 800 triệu đồng cho mỗi đội nam và nữ vô địch. Điều này giúp tăng thêm động lực cho các VĐV, giúp họ có thêm năng lượng theo đuổi nghiệp thể thao, chưa kể cũng gián tiếp tăng tính cạnh tranh cho các giải đấu.

bóng chuyền giải VĐQG nhà tài trợ
Xem thêm