Quảng cáo

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước từ ngày 01/08/2024

Trang Trang
Thứ tư, 26/06/2024 08:05 AM (GMT+7)
A A+

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thời gian áp dụng từ 01/08/2024 đến hết ngày 31/01/2025.

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định của Chính phủ liên quan đến mức thu lệ phí trước bạ đối với các ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất giảm một nửa lệ phí trước bạ cho ô tô, rơ-moóc, hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất hoặc lắp ráp tại Việt Nam.

Cụ thể, từ ngày 01/08/2024 đến hết ngày 31/01/2025, mức thu lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng bằng 50% so với mức thu hiện hành được quy định tại Nghị định số 10/2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Đồng thời cũng bao gồm các Nghị quyết và Quyết định hiện hành của HĐND hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế liên quan (nếu có).

Sau thời gian này, tức từ ngày 01/02/2025, mức thu lệ phí trước bạ sẽ quay trở lại áp dụng theo mức cũ.

Bộ Tài chính dự báo rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng mỗi tháng.

Tổng số thu ngân sách dự kiến giảm trong suốt thời gian áp dụng chính sách là khoảng 5.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ccũng có thể ảnh hưởng đến cân đối thu ngân sách nhà nước tại các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, lệ phí trước bạ là nguồn thu của ngân sách địa phương.

Mặc dù việc giảm phí trước bạ có thể thúc đẩy số lượng xe ô tô được tiêu thụ và đăng ký tăng lên, từ đó có thể làm tăng thu từ lệ phí trước bạ, thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) và thuế Giá trị Gia tăng (GTGT), nhưng lợi ích này chủ yếu tập trung tại 8 địa phương có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô.

Điều này đồng nghĩa với việc các địa phương khác sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách này, dẫn đến sự giảm thu ngân sách địa phương. 

Các địa phương này đã yêu cầu ngân sách Trung ương cấp bù khoản hụt thu để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, điều này lại gây ra những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương khác.

Xem thêm