Quảng cáo

Barcelona và những 'trò hề' đang làm với De Jong

Bùi Lê Thục Quyên Bùi Lê Thục Quyên
Thứ ba, 26/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
A A+

'Més que un club - Hơn cả một câu lạc bộ' - Đây là câu slogan của Barcelona. Nó thể hiện những giá trị của xứ Catalan đồng thời đại diện cho nhiều giá trị khác như sự hòa nhập hoặc tình đoàn kết. Nhưng những gì Barca đối xử với Dani Alves hay Frenkie De Jong chẳng khác nào những 'trò hề'.

Trở lại mùa đông năm 2021, thời điểm mà Barcelona đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính cũng như vấn đề về đội hình. Khi đó, Dani Alves - một cựu công thần của đội bóng, sẵn sàng quay trở về giúp đỡ, thậm chí anh còn chấp nhận thi đấu không lương. Hành động trên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các Cules và Alves cảm thấy Barca giống như ngôi nhà của mình. Thế nhưng chỉ 7 tháng sau, Davi Alves phải rời đi trong ấm ức và thừa nhận một sự thật phũ phàng ở sân Nou Camp:

"Kể từ khi tôi đến, tôi đã nói rất rõ rằng tôi không còn là một chàng trai 20 tuổi nữa và tôi muốn mọi thứ được hoàn thành ngay lập tức, không cần giấu giếm. Nhưng câu lạc bộ đã làm sai trong những năm gần đây. Barcelona không còn quan tâm đến những người đã làm nên lịch sử cho đội bóng nữa. Câu lạc bộ này đã biến chất mất rồi."

Dani Alves là một người yêu Barca vô điều kiện, vì chỉ có lòng trung thành mới khiến cho cầu thủ 39 tuổi từ bỏ mối bận tâm về tiền bạc để giúp đỡ đội bóng cũ. Nhưng sau lời phát biểu trên, có một sự thật rằng: đến một người yêu Barca vô điều kiện như Dani Alves còn phải thốt ra những lời như vậy, thì có lẽ Barca đang quá tệ bạc với công thần và cả những cầu thủ của mình.

Cầu thủ được nhắc tới ở đây, không ai khác ngoài Frenkie De Jong. Báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực về 'chuyện tình tay ba' giữa Man Utd - De Jong - Barcelona. Những dòng tiêu đề như: 'De Jong rất gần MU', ' Tương lai De Jong được định đoạt', ... xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo, nhưng hiện tại De Jong vẫn đang ở lại Barca cùng những điều 'không tử tế' mà câu lạc bộ này dành cho anh.

Barca đang trải qua một mùa hè với các mục tiêu chuyển nhượng. Rầm rộ là vậy nhưng thực chất, đội bóng chủ sân Nou Camp vẫn đang nợ hơn 1 tỷ euro, còn số tiền mà họ dùng để thanh toán các khoản tiền chuyển nhượng là tiền ... đi bán tài sản. Cụ thể, Barca bán tài sản đội bóng như bản quyền truyền hình, cổ phần của công ty con BLM đổi lấy khoản tiền trên.

Do đó, nếu bán được Frenkie De Jong - cầu thủ được định giá tới 85 triệu euro, sẽ giúp Barca rất nhiều trong khâu giải quyết nợ. Tuy nhiên, cầu thủ người Hà Lan không hề muốn rời Barca để đến MU. Có nhiều lý do để giải thích, một trong số đó chính là vấn đề tiền bạc, thứ mà đội bóng xứ Catalan không có ý định trả cho De Jong.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của đội bóng. Khi đó, Frenkie De Jong là cầu thủ đầu tiên xung phong tạm giảm lương, cho Barca nợ lại một phần lương bằng một bản hợp đồng mới kèm theo lời hứa rằng câu lạc bộ sẽ bù đắp lại ở những năm sau. Dễ hiểu hơn là De Jong cho Barca nợ lương nhằm giúp đội bóng 'phù phép' sổ sách, lách luật công bằng tài chính. Con số này tính tới hết mùa giải trước lên tới 18 triệu euro.

Tuy nhiên, quỹ lương hiện tại sắp nằm trong tầm kiểm soát, việc thanh toán khoản tiền đã nợ trước đó với De Jong sẽ khiến Barca mắc kẹt. Do đó đẩy được De Jong đến Man Utd có ý nghĩa rất lớn đối với Barca về mặt tài chính, bởi họ sẽ không phải trả mức lương cao như đã thỏa thuận trong cam kết. Khi ấy, sự can tâm giảm lương giúp đỡ của De Jong khi Barca gặp khó sẽ bị Barca ... quỵt một cách hợp lý. Đó là lý do vì sao De Jong nhất quyết không rời sân Nou Camp.

Gần đây nhất, HLV Xavi còn sử dụng De Jong ở vị trí trung vệ. Mặc dù nhận nhiều chỉ trích nhưng Xavi vẫn khẳng định đó là quyết định không nhắm vào cá nhân De Jong. Nhưng một 'tối hậu thư' vẫn được ông thầy người Tây Ban Nha gửi tới cầu thủ người Hà Lan: "Hãy rời đi hoặc làm quen với cuộc sống ở trung tâm của tuyến sau Barcelona."

Rõ ràng, với những gì đang làm, Barca muốn ép De Jong ra đi, hoặc nếu ở lại thì cầu thủ này phải chấp nhận những yêu sách khắt khe, khó nhằn từ đội bóng. Barcelona dường như đang cố chi tiêu bình thường để cố gắng khôi phục lại những vinh quang, dù cho có phải xử tệ với những người đã đi cùng họ qua thời gian khó khăn nhất. Cuối cùng, Barca có thể nghèo, nhưng tuyệt đối đừng sinh hèn. 

Tỏ ra kiêu ngạo, Haaland bị Pep 'dằn mặt'

Chelsea 'công cùn, thủ cũng dở', Thomas Tuchel sắp bị sa thải?

Barcelona De jong trò hề
Xem thêm