Quảng cáo

Lý do gương chiếu hậu bên trái là yêu cầu bắt buộc trên xe máy khi tham gia giao thông

Mai Hương Mai Hương
Thứ sáu, 07/02/2025 20:29 PM (GMT+7)
A A+

Gương chiếu hậu bên trái giúp người lái quan sát tốt hơn, giảm nguy cơ va chạm và hạn chế các tình huống nguy hiểm khi di chuyển trên đường.

Tăng mức xử phạt đối với xe không lắp gương chiếu hậu bên trái

Từ đầu năm nay, Nghị định 168 chính thức có hiệu lực, quy định rõ mức phạt đối với hành vi không trang bị hoặc sử dụng gương chiếu hậu bên trái không đạt tiêu chuẩn.

Theo điểm a khoản 1 Điều 14 của nghị định này, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc lắp đặt gương không có tác dụng sẽ bị xử phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng. So với mức phạt trước đây (100.000 - 200.000 đồng theo Nghị định 100), mức xử phạt hiện tại đã tăng gấp ba lần.

Việc siết chặt quy định về gương chiếu hậu không chỉ nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông mà còn đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Gương chiếu hậu bên trái giúp người lái quan sát tốt hơn, giảm nguy cơ va chạm và hạn chế các tình huống nguy hiểm khi di chuyển trên đường.

Gương chiếu hậu – Quy định bắt buộc tại nhiều quốc gia

Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng coi gương chiếu hậu là trang bị bắt buộc trên xe hai bánh. Tại bang Queensland (Australia), các mẫu mô tô sản xuất từ năm 1975 trở đi đều phải có ít nhất một gương chiếu hậu ở mỗi bên. Trước đó, mô tô chỉ bắt buộc lắp gương bên phải.

Tại Mỹ, quy định về gương chiếu hậu có sự khác biệt giữa các bang. Hiện có 28 bang không yêu cầu bắt buộc lắp gương chiếu hậu, trong khi 5 bang khác yêu cầu xe mô tô phải trang bị gương ở cả hai bên. Canada cũng có quy định nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả xe mô tô phải có ít nhất một gương chiếu hậu hoạt động tốt.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia quy định xe máy phải được trang bị đầy đủ gương chiếu hậu, còi, đèn báo rẽ và ống xả theo tiêu chuẩn quốc gia.

Lý do xe máy cần có gương chiếu hậu bên trái

Việt Nam áp dụng hệ thống giao thông di chuyển bên phải làn đường, tương tự như Australia, khiến gương chiếu hậu bên trái trở thành công cụ quan trọng giúp người lái quan sát phía sau, đặc biệt khi chuyển làn hoặc rẽ trái.

Khác với ô tô - phương tiện có khoang lái khép kín, người lái xe máy có thể trực tiếp quay đầu lại để quan sát. Tuy nhiên, theo SteelHorse Law, việc quay người nhìn phía sau có thể làm mất cân bằng xe, đặc biệt đối với những người chưa có kinh nghiệm, dễ dẫn đến tình huống nguy hiểm.

Bên cạnh đó, xe máy tại Việt Nam thường di chuyển trong làn đường hỗn hợp hoặc làn riêng bên phải. Nếu không có gương chiếu hậu bên trái, người lái sẽ gặp khó khăn khi phát hiện các phương tiện lớn đang vượt lên, làm tăng nguy cơ va chạm.

Ngoài chức năng hỗ trợ quan sát, gương chiếu hậu còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh cướp giật.Nhiều vụ cướp giật xảy ra khi đối tượng phạm tội bám theo nạn nhân một thời gian trước khi ra tay.

Nếu xe được trang bị gương chiếu hậu, người điều khiển có thể dễ dàng phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ, từ đó chủ động có biện pháp phòng tránh như thay đổi lộ trình hoặc di chuyển vào khu vực đông người.

Tiêu chuẩn gương chiếu hậu tại Việt Nam

Theo Quy chuẩn 28 của Bộ Giao thông Vận tải, gương chiếu hậu trên xe mô tô, xe gắn máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

  • Gương phải có khả năng điều chỉnh vùng quan sát.

  • Bề mặt gương có thể ở dạng phẳng hoặc lồi.

  • Diện tích phản xạ tối thiểu là 69 cm2.

  • Nếu gương có hình tròn, đường kính phải từ 94 mm đến 150 mm.

  • Nếu không phải hình tròn, bề mặt gương phải nằm trong hình chữ nhật có kích thước tối thiểu 120 x 200 mm.

Với những lợi ích rõ ràng về an toàn giao thông và an ninh cá nhân, việc lắp đặt gương chiếu hậu đạt chuẩn không chỉ giúp người lái tránh bị xử phạt mà còn góp phần tạo nên một môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu rủi ro khi di chuyển trên đường phố.

Xem thêm