Quảng cáo

Tại sao Toyota cố ý ‘tụt lại’ trong lĩnh vực xe điện?

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ tư, 16/10/2024 09:53 AM (GMT+7)
A A+

Kênh Youtube Morning Brew phân tích chiến lược của Toyota trong cuộc đua xe điện, cho rằng điều này có thể phản ánh một kế hoạch lâu dài hơn của họ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Mới đây, Morning Brew, kênh Youtube chuyên về kinh doanh đã đăng tải một video giải thích sự cố ý của Toyota khi giảm tốc trong cuộc đua xe điện. 

Cụ thể, video cho biết khi người dùng đi mua xe, hầu hết các nhà sản xuất ô tô ngày nay đưa ra hai lựa chọn: xe chạy xăng hoặc xe điện. Nhưng có một ngoại lệ. Tính đến năm 2019, khoảng 60% xe hybrid trên đường phố Mỹ được sản xuất bởi Toyota. Tuy nhiên trong lĩnh vực xe điện, họ có vẻ đang tụt lại phía sau. 

Một số người nghĩ rằng họ đang mắc sai lầm nghiêm trọng, nhưng thực tế đó đã luôn là một phần trong kế hoạch của họ.

Để hiểu tại sao Toyota có chiến lược như hiện nay, cần phải theo dõi quá trình điện khí hóa của họ. Vào đầu những năm 1990, mọi người đều thích lái những chiếc xe tiêu tốn xăng. Nhưng họ cũng nhận ra một tác dụng phụ không mong muốn từ những chiếc xe này, đó là gây ô nhiễm môi trường.

Hội đồng Tài nguyên Không khí California đã đưa ra một điều luật vào năm 1990 rằng đến năm 1998, 2% số xe mà mỗi nhà sản xuất ô tô lớn bán ra phải là xe điện hoặc xe không phát thải. 

Năm 1997, Toyota ra mắt mẫu Toyota RAV4 EV hoàn toàn không phát thải, chỉ có mặt ở California. Chưa đến 1.500 chiếc đã được đưa vào sử dụng. 

Thực tế, ở thời điểm đó, các công ty ô tô khác đã theo gương Toyota. Ford đã biến một chiếc xe bug nhỏ và một chiếc xe bán tải thành xe điện. GM cũng làm một chiếc hot rod (ô tô có thiết kế cổ điển đến từ Mỹ). Đến cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, một số lượng lớn người dân California đã lái xe điện và nhiều người thích chúng.

Nhưng sau đó, mọi thứ trở nên kỳ lạ. Trong hai năm tiếp theo, mặc dù có vẻ như nhu cầu rất lớn nhưng hầu hết các xe điện này đã bị rút khỏi thị trường và nhiều chiếc trong số đó đã bị tiêu hủy. 

Năm 2000, GM, công ty sở hữu bằng sáng chế về pin của hầu hết các xe này, đã bán bằng sáng chế cho một công ty dầu mỏ. Công ty dầu mỏ sau đó đã bị Chevron mua lại. Ngay khi Chevron có được bằng sáng chế này, họ đã kiện Toyota, một trong những công ty còn lại vẫn sử dụng loại pin này, vì vi phạm bản quyền. Ngay lập tức, kế hoạch của Toyota về việc sản xuất xe điện đã bị dập tắt.

Mẫu Prius, ra mắt toàn cầu vào năm 2000, đã trở thành biểu tượng cho phong trào bảo vệ môi trường trong ngành ô tô, giúp giảm đáng kể khí carbon từ xe chạy bằng xăng. 

Prius có khả năng hoạt động với cả động cơ xăng và động cơ điện. Đây có thể là lý do mà Chevron, công ty dầu mỏ, cho phép Toyota tiếp tục phát triển Prius.

Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Tesla tái khởi động thị trường xe điện với các mẫu xe sang trọng, Toyota không ra mắt thêm một mẫu xe điện nào tại Mỹ cho đến năm 2022. Thay vào đó, hãng này đã tập trung vào các mẫu hybrid, chiếm lĩnh thị trường và liên tục mở rộng danh mục sản phẩm của mình.

Đến nay, trong bối cảnh nhiều công ty ô tô đang giới thiệu thêm nhiều mẫu xe điện, Toyota chỉ có một mẫu xe thuần điện là BZ4X. Mặc dù hãng đã đầu tư vào lĩnh vực điện khí hóa, nhưng doanh số bán ra của BZ4X vẫn rất khiêm tốn, với chỉ 6.486 chiếc trong ba quý đầu năm 2023, so với 103,000 chiếc RAV4 hybrid và 27.000 chiếc Prius. Điều này khiến nhiều người nhận định rằng Toyota đang tụt lại phía sau trong cuộc đua xe điện.

Hơn nữa, Toyota đã từng đệ đơn kiện California về các yêu cầu sản xuất xe điện, cho thấy rằng họ không hoàn toàn ủng hộ xu hướng này. Trong một tài liệu nội bộ gửi đến các đại lý, Toyota đã nêu rõ cam kết giảm lượng khí thải carbon, nhưng cũng chỉ ra rằng điều này sẽ gặp khó khăn vì ba lý do chính: thiếu khoáng sản thiết yếu như lithium, cơ sở hạ tầng sạc chưa đủ và chi phí sản xuất xe điện vẫn quá cao.

Mặc dù có sự mất cân bằng lớn về trạm sạc – với California có 14.000 trạm trong khi Ohio chỉ có 1.200 – vấn đề chi phí cũng đáng lo ngại. Theo báo cáo của Kelley Blue Book, giá bán trung bình của xe điện cao hơn khoảng 5.000 đô la Mỹ so với xe chạy bằng xăng.

Một số nhà môi trường học cho rằng Toyota đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm và chỉ tìm cách bán thêm xe mà không đầu tư thực sự vào xe điện. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng Mỹ vẫn còn e ngại về khả năng tiếp cận xe điện. Chỉ có 31% người trưởng thành cho biết họ có khả năng sở hữu một chiếc xe điện.

Trong bối cảnh này, một số công ty ô tô như Ford đã tạm dừng đầu tư vào xe điện do lo ngại về thị trường. Mặc dù vậy, cựu CEO của Toyota vẫn tỏ ra lạc quan rằng người tiêu dùng đang dần nhận thức được thực tế về xe điện.

Tổng kết lại, mặc dù Toyota chưa hoàn toàn tham gia vào cuộc đua xe điện, hãng vẫn có kế hoạch ra mắt thêm nhiều mẫu xe điện trong tương lai. Hiện tại, 30% người tiêu dùng vẫn coi Toyota là lựa chọn tiềm năng khi họ quyết định mua xe điện, cho thấy rằng tương lai của hãng có thể phụ thuộc vào khả năng thích ứng với xu hướng này trong những năm tới.

Xem thêm