Quảng cáo

CHÍNH THỨC: Ô tô thay đổi đèn, lưới tản nhiệt vẫn có thể được đăng kiểm từ ngày 15/2

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ năm, 04/01/2024 10:18 AM (GMT+7)
A A+

Điểm mới trong thông tư 43/2023/TT-BGTVT nhấn mạnh những trường hợp chủ xe được phép thay đổi phương tiện mà không bị coi là cải tạo.

Vào cuối tháng 12/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 43/2023, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, nhằm chỉnh sửa và bổ sung một số quy định liên quan đến việc cải tạo các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sửa đổi Thông tư số 85/2014).

Dựa vào Thông tư này, một số thay đổi trên các xe, như việc thay đổi đèn chiếu sáng, lưới tản nhiệt, cửa lên xuống khoang hành khách, đèn sương mù rời... sẽ không còn được xem là cải tạo xe, vì vậy nên vẫn có thể được đăng kiểm như bình thường.

Cụ thể, Thông tư 43/2023 đã bổ sung Điều 4a vào Thông tư 85/2014, liệt kê 9 trường hợp thay đổi xe cơ giới không được xem là cải tạo. 

9 trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo

  • Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa).
  • Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 43/2023/TT-BGTVT; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ.
  • Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô PICKUP nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe.
  • Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời.
  • Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt.
  • Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn.
  • Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT. Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe.
  • Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió.
  • Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.

Việc thay đổi của các xe cơ giới theo quy định trên mà không làm thay đổi kiểu loại xe quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 43/2023/TT-BGTVT và đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng thì được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

Nới lỏng quy định, tạo thuận lợi cho người dân

Việc ban hành thông tư 43/2023/TT-BGTVT với những quy định mới đã giúp hoạt động cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được nới lỏng, có khung pháp lý rõ ràng hơn, thuận tiện cho nhu cầu độ xe, làm đẹp cho xe của người dân.

Hồi tháng 5/2023, từng có vụ việc một trung tâm kiểm định không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm chiếc Mercedes C250 2015 vì "mặt ca-lăng thay đổi so với nguyên bản", trong khi xe nguyên "zin". Đây là trường hợp đã từng gây xôn xao dư luận, với nguyên nhân đến từ việc thiếu sót hình ảnh xe ở trung tâm đăng kiểm, gây mất thời gian và chi phí của chủ xe.

Với những điểm mới trong quy định về đăng kiểm ô tô, quá trình này được dự báo sẽ hoạt động hiệu quả, nhanh chóng hơn, đem lại sự thoải mái, thuận lợi cho người sở hữu phương tiện.

Xem thêm