Quảng cáo

Công nghệ sạc ô tô điện không dây chưa thể được áp dụng rộng rãi vì lý do này

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ ba, 12/03/2024 16:12 PM (GMT+7)
A A+

Mức chi phí đắt đỏ hiện vẫn đang là rào cản trong việc triển khai rộng rãi công nghệ đường sạc không dây cho xe điện.

Theo trang Oto Detik, đoạn đường sạc không dây cho xe điện đầu tiên tại Hoa Kỳ đã được lắp đặt ở thành phố Detroit, cho phép các phương tiện chạy điện sạc pin ngay trong quá trình di chuyển. Tuy nhiên, với chi phí gần 2 triệu đô la Mỹ (tương đương 49,3 tỷ đồng) cho mỗi dặm, các chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu đây có thực sự là tương lai của giao thông hay không?

Công nghệ đường sạc ô tô điện không dây chính thức có mặt tại Mỹ

Từ vẻ bề ngoài, đoạn đường này trông giống như bất kỳ đoạn đường nào khác ở các thành phố trên toàn Hoa Kỳ. Nó dài một phần tư dặm (400m), chạy qua khu Corktown của Detroit.

Các cuộn dây điện từ tính đã được đặt dưới mặt đất và kết nối với lưới điện của thành phố. Chúng tạo ra một trường từ tính ngay trên mặt đường chuyển năng lượng đến một bộ thu được gắn vào pin của xe thông qua quá trình gọi là "sạc không dây". Đây là công nghệ tương tự như sạc không dây cho điện thoại di động.

Ý nghĩa của công nghệ sạc xe điện không dây

Các con đường như thế này được kỳ vọng có thể giúp giải quyết một trong những rào cản chính khiến nhiều người chưa chuyển sang sử dụng xe điện - đó là lo lắng về phạm vi hoạt động. Với cơ sở hạ tầng sạc vẫn chưa đạt đến mức cần thiết để hỗ trợ một lượng lớn các xe điện, hầu hết các tài xế đều e ngại về việc đổi từ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch của họ sang xe điện.

Stefan Tongur, phó chủ tịch phát triển kinh doanh tại Electreon (đơn vị phát triển công nghệ sạc không dây) cho biết tại triển lãm CES 2024: " Sự tiến hóa của việc sạc pin sẽ chuyển từ có dây sang không dây "

" Và chúng ta sẽ có những con đường có thể sạc pin cho các phương tiện kể cả khi chúng di chuyển hay khi chúng đỗ lại. "

Electreon đang thử nghiệm công nghệ sạc không dây tại một số địa điểm chọn lọc trên khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Hãng đã lắp đặt các cuộn dây từ tính phía bên dưới đường ở Detroit vào tháng 11/2023. 

Nghi ngờ về tính khả thi của công nghệ

Với chi phí dự án lên tới gần 2 triệu đô la Mỹ (tương đương 49,3 tỷ đồng) cho mỗi dặm đường, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu công nghệ này có thể mở rộng được hay không. 

Mở rộng các con đường thông minh này trên toàn thành phố hoặc dọc theo các tuyến đường cao tốc dài sẽ là vô cùng đắt đỏ với mức giá hiện tại. 

Tongur tin rằng chi phí để lắp đặt sạc không dây sẽ bắt đầu giảm khi công nghệ này trở nên “chín muồi”, và dự đoán nó có thể giảm xuống khoảng 1.2 triệu đô la Mỹ (29,5 tỷ đồng) cho mỗi dặm và 1.000 đô la Mỹ (24,6 triệu đồng) cho mỗi bộ thu.

"Sạc không dây về lý thuyết mang lại nhiều lợi ích. Nhưng các vấn đề về logistics và chi phí làm cho công nghệ này trở nên ít thực tế," nghiên cứu viên về kinh tế hành vi tại Trường Luật Harvard, Ashley Nunes, nói.

Tuy nhiên, Tongur cho biết rằng công nghệ không cần phải được lắp đặt dưới mọi con đường. " Nó không dành để triển khai ở mọi nơi, " ông nói. " Mục đích là chọn những nơi có ý nghĩa nhất, nơi mà có thể triển khai mô hình kinh doanh tốt nhất. "

Công ty ban đầu đang tập trung vào các tuyến giao thông được các đội xe thương mại thường xuyên sử dụng với lịch trình dự đoán được. Chẳng hạn, các đối tượng này bao gồm xe buýt và xe tải.

Kế hoạch phủ sóng công nghệ sạc không dây cho xe điện

Theo Tongur, một con đường điện sạc không dây dài 155-186 dặm (250-300 km) với nhiều phương tiện sử dụng có thể giảm lượng khí carbon từ xe tải lên đến hơn 200.000 tấn.

Để làm dịch vụ trở nên phổ biến hơn, Electreon cũng đang cung cấp một mô hình đăng ký dịch vụ trong đó người dùng có thể trả một khoản phí hàng tháng, khoảng từ 800 đến 1.000 đô la Mỹ (tương đương 19,7 đến 24,6 triệu đồng). 

Công ty gọi đó là nền tảng Charging-as-a-Service (CaaS) của họ và nó đang được áp dụng với một công ty vận tải công cộng tại Israel, Dan Bus Company, sở hữu một đội xe buýt gồm 200 chiếc. 

Ở châu Âu, Pháp có kế hoạch xây dựng 5.500 dặm (8.850km) đường có khả năng sạc điện vào năm 2035 bằng cách sử dụng dây dẫn trên cao, đường ray hoặc sạc không dây, trong khi các nghiên cứu tại Đức đã đề xuất việc lắp đặt 2.500 dặm (4.000km) dây dẫn trên cao hoặc công nghệ sạc không dây trên cao tốc Autobahn nổi tiếng. 

Một quốc gia khác là Thụy Điển ước tính sẽ tốn khoảng trên dưới 3 tỷ USD để xây khoảng 1.200 dặm (2.000km) đường sạc xe điện.

Xét riêng từng hãng xe, Toyota đã có mối liên kết với Electreon để triển khai các phương án sạc không dây trong tương lai, còn BMW và Ford hợp tác với Witricity, và Stellantis với Hevo Power. Giới thạo tin cho biết Tesla cũng đang phát triển một giải pháp của riêng mình sau khi mua lại công ty sạc không dây Wiferion vào năm ngoái.

Xem thêm