Quảng cáo

Xe cổ - Thị trường đầu tư màu mỡ dần trở thành xu hướng toàn cầu

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ tư, 19/04/2023 09:02 AM (GMT+7)
A A+

Giá của những mẫu xe cổ đang tăng phi mã khiến ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn đầu tư vào mặt hàng xa xỉ này.

Bà Andrea Modena, người đứng đầu bộ phận xe cổ của Ferrari, kể lại một câu chuyện rằng vào năm 1977, một người đàn ông đã phải bán chiếc xe Ferrari 250 GTO phiên bản 1962 của mình vì vợ ông phàn nàn rằng nó quá ồn ào.

"Ngày nay, tôi không chắc người vợ sẽ thắng trong cuộc tranh cãi đó", bà Andrea hài hước chia sẻ.

Lí do mà bà nói câu trên là vì đến năm 2018, mẫu xe này của Ferrari đã trở thành chiếc xe đắt nhất từng được bán với mức giá 48 triệu USD.

Năm ngoái, kỷ lục đó đã bị vượt qua bởi chiếc Mercedes-Benz 300 SLR Uhlenhaut Coupé đời 1955 có giá 135 triệu euro (149 triệu USD).

Đây chỉ là một vài “siêu giao dịch” đáng chú ý trong số những thương vụ trị giá hàng tỷ USD mỗi năm dành cho những chiếc xe hơi cổ điển trên toàn cầu.

Theo báo cáo năm 2023 của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, những chiếc xe cổ đã tăng 185% về giá trị trong thập kỷ qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng của các đối thủ hàng xa xỉ khác như rượu vang, đồng hồ, tác phẩm nghệ thuật, đồng thời chỉ đứng sau các loại rượu whisky quý hiếm.

Thị trường đã được mở rộng ra ngoài cộng đồng các nhà sưu tập nhỏ. Cụ thể hơn, giờ đây nhiều nhà đầu tư bị thu hút bởi triển vọng kiếm được lợi nhuận cao, đã quyết định tham gia thị trường này.

Chúng tôi đã theo dõi thị trường trong một thời gian dài,” Giorgio Medda, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc quản lý tài sản toàn cầu tại công ty Azimut (Ý) cho biết. "Hồ sơ theo dõi trong 30 năm qua cho chúng tôi biết những chiếc xe cổ đã trở thành một loại tài sản quan trọng mà công ty khuyến khích khách hàng của mình đưa vào danh mục đầu tư."

Năm nay, công ty quản lý tài sản này sẽ tung ra cái mà họ mô tả là quỹ "xanh" đầu tiên trên thế giới chuyên đầu tư vào xe cổ. Azimut cho biết họ sẽ chỉ đặt cược vào những chiếc xe trị giá hơn 1 triệu euro mỗi chiếc.

Quỹ này cũng sẽ chỉ chọn lọc những mẫu xe gắn liền với câu chuyện lịch sử độc đáo.

Một quỹ khác mang tên Hetica đã mua hàng chục chiếc ôtô cổ cho đến nay. Quỹ sẽ tồn tại trong 7 năm, đặt mục tiêu mua 30-35 chiếc ôtô vào năm thứ năm, còn hai năm cuối sẽ bán xe và trả tiền cho nhà đầu tư. 

Lợi nhuận dự kiến của quỹ này ở mức 9-15%.

Tuy triển vọng có vẻ rộng mở nhưng giới chuyên gia cũng nhấn mạnh xe cổ cũng không phải là lĩnh vực dành cho những người không có nhiều khả năng về vốn. Hầu như các quỹ đều yêu cầu mức đầu tư tối thiểu là 125.000 euro (khoảng 3,22 tỷ đồng).

Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những người đang muốn đầu tư 1.000-2.000 euro và chúng tôi phải từ chối họ” Walter Panzeri, người điều hành Quỹ Klassik của Hetica cho biết.

Thêm vào đó, một vết xước hoặc vết lõm nhỏ, hoặc một bộ phận cần thay thế, có thể tiêu tốn khoản tiền không nhỏ. 

Bà Modena ví dụ như chỉ thay cản sau của một chiếc ô tô cổ loại hiếm có thể có giá 15.000 USD (khoảng 350 triệu đồng).

Theo ông Florian Zimmermann, người từng làm việc tại Mercedes-Benz và sở hữu một bộ sưu tập 300 xe, chi phí vận hành - bao gồm phí lưu kho và phí bảo hiểm khổng lồ - có thể dễ dàng chiếm tới 5-6% giá trị hàng năm của danh mục đầu tư (xe cổ).

"Người dùng phải chi một số tiền khá lớn để giữ cho tất cả những chiếc xe luôn trong tình trạng hoạt động tốt", ông chia sẻ.

Thực tế, các quỹ quản lý danh mục đầu tư xe hơi có thể là công cụ kiếm tiền cho bộ phận phụ trách xe hơi cổ của các nhà sản xuất ôtô, nơi không chỉ cung cấp dịch vụ sửa chữa và phụ tùng mà còn cấp chứng nhận cho xe để tham gia các cuộc triển lãm và cuộc thi.

Theo đại diện Peter Becker của bộ phận xe cổ Mercedes-Benz Classic, chỉ riêng quy trình chứng nhận có thể tiêu tốn khoảng 20.000 euro (khoảng 515 triệu đồng).

Tuy nhiên, thị trường xe hơi cổ điển đang mở rộng khi số lượng người giàu cũng tăng lên.

Theo nghiên cứu của Knight Frank, giá trị của những chiếc ô tô cổ đã tăng 25% vào năm 2022, mức tăng mạnh nhất của chúng trong 9 năm và chỉ đứng sau mức tăng 29% của tác phẩm nghệ thuật.

Công ty chuyên bảo hiểm xe cổ Hagerty ước tính tổng giá trị giao dịch của thị trường này mỗi năm trên toàn cầu đạt tới khoảng 80 tỷ USD, bao gồm tất cả các cuộc đấu giá và giao dịch riêng.

Đặc biệt, giờ đây người mua còn đến từ nhiều quốc gia châu Á và Trung Đông chứ không chỉ gói gọn ở Bắc Mỹ như trước.

Một số người tham gia thị trường cho biết, cuộc chạy đua toàn cầu để từ bỏ ô tô động cơ đốt trong sẽ chỉ làm tăng thêm sự quan tâm đối với xe cổ.

Cristiano Bolzoni, người đứng đầu bộ phận xe cổ của Maserati cho biết: “Điện khí hóa sẽ tạo lợi thế cho những chiếc xe cổ điển. Theo thời gian, chúng sẽ trở thành đối tượng được sùng bái bởi những người yêu xe".

Theo ông Adolfo Orsi, người sáng lập Niên giám đấu giá xe cổ điển (Classic Car Auction Yearbook) theo dõi thị trường này từ năm 1990, Ferrari là những chiếc ôtô cổ dành được sự đánh giá cao nhất. 

Các chuyên gia thậm chí còn đánh giá những mẫu xe thuộc thương hiệu “ngựa chồm” là giá trị và độc nhất trong các dòng xe cổ.

Một chiếc Ferrari có giá trị trung bình khi đấu giá là 589.000 đô la (khoảng 13,8 tỷ đồng) trong giai đoạn 2021-2022, đứng thứ hai là Mercedes-Benz với giá 378.000 đô la (khoảng 8,8 tỷ đồng) và sau đó là Porsches với 348.000 đô la (khoảng 8,1 tỷ đồng).

Xem thêm