Quảng cáo

Độ loa ô tô loại nào tốt? Kinh nghiệm và bảng giá độ loa

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ hai, 12/06/2023 15:11 PM (GMT+7)
A A+

Với nhiều người, nhu cầu tận hưởng âm nhạc chất lượng cao trên ô tô là rất quan trọng, vì vậy nên việc độ loa cho phương tiện của mình là điều khá dễ thấy. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản về độ loa ô tô cũng như các kinh nghiệm và bảng giá dành cho việc độ loa.

Tổng quan kiến thức về loa ô tô

Cùng tìm hiểu qua những kiến thức tổng quan về độ loa ô tô.

1. Cấu tạo loa ô tô

Hệ thống loa ô tô là hệ thống giải trí trên xe có nhiệm vụ tạo ra âm thanh. Chúng hay được lắp ở các vị trí có thể kể đến như cột A, ốp cánh cửa,  bệ sau hàng ghế sau, taplo…

Cấu tạo của loa ô tô bao gồm:

  • Củ loa: bao gồm màng loa được gắn với một cuộn dây, sau đó đặt vào từ trường của nam châm vĩnh cửu. Cuộn dây sẽ rung động tạo nên các dao động truyền ra ngoài khi có dòng điện và tín hiệu chạy qua.
  • Thùng loa: Thùng loa là bộ phận chứa củ loa. 
  • Lỗ dội âm: Các lỗ này được bố trí xung quanh có tác dụng bảo vệ màng loa, đồng thời cho phép âm thanh thoát ra ngoài.
  • Các phụ kiện khác: dây kết nối, jack cắm, giá loa…

Ngoài loa, một hệ thống âm thanh đầy đủ còn có nguồn phát và amply (tùy chọn). Vì không gian trong xe khá hạn chế, hệ thống âm thanh thường kết nối tất cả trong một.

Nguồn phát:

  • Kiểm soát âm lượng và các thiết bị kết nối.
  • Khả năng thu phát gồm cả sóng radio AM và FM.
  • Hỗ trợ kết nối với USB hay iPod cũng như cho phép kết nối qua Bluetooth và phát nhạc từ smartphone.
  • Khả năng điều chỉnh bass/treble, xử lý tín hiệu

Amplifier:

  • Amplifier có tác dụng khuếch đại tín hiệu (tăng cường chất lượng các âm bass/mid/treble) để chúng không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử khác, sau đó truyền âm thanh tới loa
  • Hầu hết các nguồn phát trong xe đều được tích hợp sẵn amplifier công suất thấp, phù hợp để kéo một số loại loa nhỏ. 
  • Với hệ thống âm thanh lớn hơn với nhiều loa hơn, amplifier thường phải có công suất cao và được gắn bên ngoài nguồn phát.

2. Các dải âm chính của loa ô tô

Âm thanh thường được chia ra thành ba loại âm chính:

  • Âm Bass là dải âm trầm  ở khoảng tần số từ 20 Hz đến 500 Hz, có tác dụng thể hiện độ trầm của âm thanh.
  • Âm Mid  là dải âm trung  ở khoảng tần số 500 Hz đến 6.000 Hz, bao gồm các âm thanh thường thấy trong cuộc sống như giọng nói, tiếng kêu động vật, tiếng hát,...
  • Âm Treble  là dải âm cao ở khoảng tần số từ 6.000 Hz đến 20.000 Hz: Âm Treble là dải âm cao, có tác dụng thể hiện độ bổng của âm thanh. Ví dụ: tiếng chim hót, tiếng hát giọng nữ cao,...

Các loại loa ô tô

1. Loa trầm và rất trầm - Sub

Loa trầm và loa siêu trầm Sub (Tiếng Anh là Woofer và Subwoofer) là loại loa có tác dụng biểu đạt âm trầm, có thể lấy ví dụ là tiếng guitar bass hoặc tiếng trống. 

Nếu loa trầm phát âm thanh ở tần số thấp thì loa siêu trầm sẽ phát âm thanh ở tần số rất thấp. Loa trầm và loa siêu trầm thường sở hữu kích thước lớn để tiếng bass phát ra “chất lượng” hơn, thường được lắp ở hàng ghế sau để tối ưu hiệu quả.

>> Xem thêm: Kinh nghiệm độ loa sub ô tô: Các dòng loa sub, bảng giá mới nhất

Loa trầm cho ô tô chia làm hai loại:

  • Loa Sub hơi: lấy tín hiệu từ amply ô tô mà không có bộ khuếch đại âm thanh riêng.
  • Loa Sub điện: được tích hợp bộ khuếch đại âm thanh riêng và bộ phân tích, tách rõ âm trầm so với âm khác

2. Loa trung - Mid

Loa trung (mid) là loại loa tập trung biểu đạt âm thanh dải trung. Có thể hình dung đây là những âm thanh phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. 

Vì vậy, để thể hiện được hết các cao độ, loa Mid là loại loa nhất định phải có. Loa trung trang bị trên xe hơi có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 3 – 5 inch. Nó thường được lắp ở cánh cửa xe (ốp cửa thường được tận dụng luôn làm thùng loa).

3. Loa Treble

Loa Treble là loại loa biểu đạt âm ở dải Treble, ví dụ như tiếng sáo, tiếng hát giọng nam cao.

Loa Treble ô tô có kích thước nhỏ nhất trong các loại loa, chỉ khoảng 1 – 2 inch, Vị trí lắp thường là góc taplo gần kính lái, vị trí góc của cột A, ốp cửa…

Có nên độ loa ô tô?

Hiện nay, việc cải tiến hệ thống âm thanh ô tô hay còn gọi là độ loa ô tô là một giải pháp phổ biến mà nhiều người ưa thích.

Nguyên nhân của điều này là bởi nhu cầu thưởng thức âm thanh chất lượng cao đang ngày một lớn, trong khi hệ thống loa nguyên bản trên các mẫu xe phổ thông hiện nay chỉ ở mức chấp nhận được, thậm chí là kém. 

Số lượng loa được trang bị thường khá ít, do vậy âm thanh sẽ không tách bạch , rõ ràng để người nghe cảm nhận hết cái hay của các dải âm thanh.

Ngoài ra, khả năng chống ồn của các mẫu xe thuộc phân khúc dưới sẽ không tốt, vì thể nên độ loa là một giải pháp không tồi đối với chủ xe để khắc phục những tiếng ồn khi di chuyển.

Với tất cả những lí do trên, nhiều người đã không chần chừ nâng cấp hệ thống âm thanh trên “xế cưng” của mình. Độ loa mang lại những giá trị tuyệt vời về mặt giải trí, giúp cho những bản nhạc, bộ phim hay hơn, chuyến đi dễ chịu và thoải mái hơn.

Các kiểu độ loa trên ô tô

1. Độ loa Sub

Phương pháp độ âm thanh này cho phép toàn bộ hệ thống âm thanh nguyên bản đều được giữ lại. 

Chủ xe sẽ chỉ cần tìm kiếm nơi độ loa thích hợp, rồi chọn từ 1 đến  2 chiếc loa Sub để lắp đặt cho xe. Đây là kiểu độ có giá thành phải chăng được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là với những ai yêu thích âm bass, chẳng hạn như thích nghe nhạc dance, EDM hay rock.

2. Độ loa Sub và thêm loa Treble

Tương tự như kiểu độ loa sub, hệ thống âm thanh ban đầu không thay đổi. Thông thường, các chủ xe thường sẽ lắp thêm một loa sub cùng hai loa treble để bổ sung hai dải âm trầm và cao. 

Nhờ vậy, khi kết hợp với loa trung có sẵn, hệ thống âm thanh trên ô tô sẽ có đầy đủ cả ba dải âm là bass-mid-treble, mang lại trải nghiệm hoàn thiện.

Kích thước cũng phải vấn đề vì chỉ có loa Sub là tương đối lớn còn loa treble là loại loa nhỏ có thể lắp ở các góc của xe hoặc ốp cửa.

3. Độ loa Mid

Các mẫu xe hơi phổ thông hay được trang bị loại loa này. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh sẽ không thể quá hay vì chúng chỉ nằm ở mức cơ bản.

Vì vậy, nhiều người thường lựa chọn thay thế loa nguyên bản trên xe để đổi sang loa trung của các thương hiệu có tên tuổi, mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn.

4. Độ amply

Amply là thiết bị giúp khuếch đại tín hiệu âm thanh. Trên thực tế, trên nhiều mẫu xe hiện nay, amply được tích hợp cùng với nguồn phát. Tuy nhiên, thông thường những loại amply này không có chất lượng quá cao, khó hay bằng amply gắn rời.

Nếu người dùng muốn tăng cường âm thanh từ nguồn phát, họ nên lựa chọn độ amply. Đây sẽ là giải pháp thích hợp với những ai sành sỏi, có niềm đam mê nhất định với âm thanh chất lượng cao. Ngoài ra, khi độ amply, cũng cần lưu ý mức cách âm của xe, tránh âm thanh quá to lọt ra ngoài.

Bảng giá độ loa ô tô

Mức giá cho việc độ loa ô tô là yếu tố được rất nhiều tài xế quan tâm. Nhiều người có suy nghĩ độ loa xe sẽ rất đắt vì đây là thiết bị điện tử, có công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, thực tế, độ loa ô tô sẽ chia ra rất nhiều phân khúc và gói độ cho phù hợp với nhiều yêu cầu đa dạng, từ đó đáp ứng nhiều nhóm khách hàng.

Dưới đây là bảng giá tham khảo cho dịch vụ độ loa ô tô. Giá có thể thay đổi tùy vào gói độ, yêu cầu của khách hàng và địa điểm độ:

Dịch vụ

Giá tham khảo

Độ thêm loa Treble cho ô tô

3.000.000 đồng

Độ thêm loa Mid cho ô tô

5.500.000 – 6.000.000 đồng

Độ thêm loa Sub cho ô tô

6.500.000 – 9.000.000 đồng

Độ hệ thống âm thanh hoàn chỉnh

30.000.000 – 40.000.000 đồng

Những lưu ý khi độ loa cho ô tô

Người dùng khi quyết định độ loa ô tô cần lưu ý một vài điểm sau:

1. Dải tần loa

Đây có thể xem là thông số cơ bản nhất để người mua phân biệt các loại loa với nhau từ loa siêu trầm Sub, loa trung Mid hay loa âm cao Treble. 

Ngoài ra, nếu tìm hiểu kỹ, bạn cũng có thể sử dụng thông số này để thực hiện so sánh bước đầu hay tham chiếu khi nghe thử, từ đó đưa ra lựa chọn thích hợp. Ví dụ, có thể cùng là loa treble nhưng có loa sẽ bổng hơn, thích hợp với các dòng nhạc riêng biệt như opera.

2. Độ nhạy của loa

Độ nhạy của loa (đơn vị đo: decibel) là đơn vị khá quen thuộc để đo độ lớn của âm lượng. Thông số này sẽ hữu ích khi người nghe chọn cùng với amply.

Có thể hiểu đơn giản rằng, độ nhạy chính là thông số để biết loa kêu to đến đâu trong cùng một môi trường định mức tiêu chuẩn và trong cùng một mức điện áp đầu vào.

3. Trở kháng loa

Trở kháng của loa có thể hiểu là điện trở của loa (đơn vị đo: Ohm). Thông số này ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh khi phối ghép loa và amply. Các mức độ trở kháng loa phổ biến là 4 ohm, 6 ohm hoặc 8 ohm. Con số này càng lớn thì công suất càng lớn

4. Công suất tối đa của loa

Công suất cực đại (Peak) tượng trưng cho mức giới hạn mà loa có thể đạt tới. Điều này sẽ giúp người dùng dễ dàng chọn amply và các phụ kiện đi kèm phù hợp.

Độ loa trên ô tô loại nào tốt?

Hiện tại trên thị trường Việt Nam có rất nhiều thương hiệu âm thanh mới, đến từ nhiều quốc gia. Có thể kể đến một số hãng nổi tiếng như JBL, Mark Levinson, Bose,...

Mỗi thương hiệu sẽ có những điểm nổi bật khác nhau, phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau. Dưới đây sẽ là một số loại loa có chất lượng tốt để người dùng tham khảo:

1. Loa Micro-Precision

Đây là dòng sản phẩm âm thanh được nhập khẩu từ Đức. Micro-Precision là thương hiệu chuyên cung cấp dòng sản phẩm độ âm thanh nằm trong top 10 Châu Âu.

Micro Precision rất chú trọng quy trình chế tác sản phẩm, hướng đến các thiết bị được hoàn thiện hoàn mỹ nhất với mong muốn có thể mang đến những thiết bị âm thanh với chất lượng tuyệt vời.

Đặc điểm nổi bật:

  • Chế tạo thủ công
  • Chất lượng linh kiện bên trong tốt
  • Đạt tiêu chuẩn quân sự của Đức
  • Độ bền cao

2. Loa Gladen

Ra đời được hơn 20 năm (ra đời năm 1997), Glanden là một trong những thương hiệu phụ kiện âm thanh được ưa chuộng nhất hiện nay. Xuất xứ của dòng sản phẩm này là từ Đức. Các thiết bị Gladen phổ biến nhất bao gồm: Amplifier, loa siêu trầm Subwoofer, dây kết nối,....

Đặc điểm nổi bật:

  • Các dòng sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu nghe nhạc khác nhau
  • Sản xuất từ công nghệ chế tạo hàng đầu tại Đức
  • Chất lượng âm thanh tuyệt vời
  • Giành được nhiều giải thưởng của Hiệp hội đánh giá chất lượng âm thanh Châu Âu.

3. Loa Blam

BLAM là một thương hiệu sản xuất các thiết bị âm thanh đến từ Pháp được ra đời từ năm 2013. Tuy còn non trẻ nhưng hãng đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

Đặc điểm nổi bật

  • Chất lượng âm thanh được đánh giá cao, tập trung vào dải mid, tái tạo âm một cách tự nhiên nhất.
  • Đa dạng về các dòng sản phẩm

4. Loa DLS

DLS là thương hiệu âm thanh hi-end thành lập từ năm 1970 tại Thụy Điển. Hãng nổi tiếng với những thiết bị có chất âm ấm áp và dải treble được mượt mà. 

Với những mẫu loa để độ lên ô tô, DLS chuyên sản xuất các dòng loa cánh, loa sub hơi, loa sub điện, amplifier và bộ xử lý tín hiệu. 

Hãng có các sản phẩm tên tuổi từng giành giải tại các cuộc thi âm thanh xe hơi EMMA (cả ở khu vực châu Âu và châu Á), tiêu biểu như DLS UPi36, DLS Nordica 12-inch, DLS CCi4,...

Đặc điểm nổi bật:

  • Công nghệ Class-D amplifier: trang bị trên loa Sub cho phép nó hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm điện năng hơn.
  • Kích thước khá nhỏ gọn
  • Chất âm ấm áp, dễ chịu
  • Có thể điều khiển từ xa

5. Loa Bose

Bose có lẽ không còn là cái tên quá lạ tai đối với nhiều người. Hãng vốn là một công ty sản xuất các thiết bị âm thanh nổi tiếng trên thế giới thành lập năm 1964. Trụ sở chính của hãng nằm tại thành phố Boston, Hoa Kỳ. 

Những sản phẩm của Bose được sử dụng rộng khắp các nơi trên thế giới, có thể kể đến như Loa di động, Amply, Tai nghe, Kính nghe nhạc thông minh, loa cho ô tô,...

Đặc điểm nổi bật:

  • Chất lượng âm thanh vượt trội: nổi bật với khả năng tái tạo âm bass
  • Độ bền tốt
  • Được tích hợp nhiều công nghệ mới: Ví dụ như stereo lan tỏa đều âm thanh, giảm âm bằng giọng nói,… 
  • Tính tương thích cao: Dễ dàng lắp đặt trên nhiều loại xe và có khả năng kết nối đa dạng nền tảng thiết bị.

6. Loa Pioneer

Hãng Pioneer đến từ Nhật Bản được thành lập năm 1937 bởi Nozomu Matsumoto. Pioneer là thương hiệu lâu đời sản xuất các sản phẩm giải trí kỹ thuật số, có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường. 

Các thiết bị âm thanh từ Pioneer cũng là trang bị tiêu chuẩn trên một vài mẫu xe Nhật Bản, chẳng hạn như Toyota.

Đặc điểm nổi bật:

  • Độ bền và độ uy tín từ thương hiệu lâu đời
  • Có khả năng định dạng file âm thanh chất lượng cao
  • Chất âm tốt

Có nên tự độ loa tại nhà không?

Về lý thuyết, ai cũng có thể tự mình độ loa tại nhà. Nhiều người lựa chọn cách này vì tiết kiệm được một khoản chi phí, trong khi có những người coi đó là sở thích, muốn tự mày mò khám phá.

Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm về ô tô, hay trên mạng internet, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin, video hướng dẫn cách tự độ loa ô tô tại nhà.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia về kỹ thuật ô tô, các thiết bị điện tử trên xe nếu được trang bị thêm không đúng cách sẽ gây ra nguy cơ chập cháy, thậm chí ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống điện, hay nguy hiểm hơn là cháy xe.

Nếu thực sự muốn tự mình độ loa ô tô tại nhà, chủ xe nên là người thực sự hiểu về lĩnh vực kỹ thuật ô tô, hiểu về các thành phần điện tử trên xe cũng như những thiết bị mà họ dự định lắp, thậm chí là phải được qua đào tạo và thực hành. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất hay các thiết bị, công cụ cần thiết tại nhà sẽ khó có thể đầy đủ cho người dùng sử dụng.

Do đó, người có ý định nâng cấp âm thanh cho xe hơi nên tìm đến các địa chỉ độ loa ô tô chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn cũng như các yếu tố chất lượng âm thanh và thẩm mỹ.

Trên đây là toàn bộ các thông tin cơ bản về độ loa ô tô, hy vọng bạn sẽ tìm được điều mình đang tìm kiếm trong bài viết này.

Xem thêm