Quảng cáo

Doanh nhân Võ Quang Huệ và hành trình ‘kỳ diệu’ cùng ô tô VinFast

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ hai, 22/04/2024 15:33 PM (GMT+7)
A A+

Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách đề án VinFast Võ Quang Huệ cho biết ông luôn khắc sâu hai chữ phụng sự đất nước và xã hội.

Người Việt Nam góp công lớn với ô tô VinFast

Đằng sau thành công hiện tại của VinFast là hình bóng của một nhân vật đặc biệt. Đó là ông Võ Quang Huệ, một cái tên nổi bật trong làng công nghiệp ô tô Việt Nam, mang trong mình bề dày kinh nghiệm “thực chiến” trên trường quốc tế. 

Ông đã dành 24 năm làm việc tại BMW, nơi ông tham gia vào bộ phận phát triển xe mới và sau đó giữ vai trò lãnh đạo trong các dự án sản xuất và kinh doanh xe hơi tại các thị trường Đông Nam Á, Mexico và Ai Cập.

Ngoài ra, ông Huệ còn có 10 năm giữ chức Tổng giám đốc tại Bosch Việt Nam, từ năm 2007 đến 2017, và là nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án ô tô VinFast - một dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp của ông tại ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Ước mơ thành sự thật

Kể về tuổi thơ, ông Huệ cho biết mình thường xuyên lui tới các tiệm bán xe và cùng bạn bè "độ xe" khi còn nhỏ. Sau này, khi tự mình sắm chiếc xe đầu tiên, ông đã gặp phải tai nạn nghiêm trọng khi tay không may chạm vào xích xe trong lúc tìm hiểu cách thức hoạt động của nó. 

Dù vậy, sự cố “đau đớn” này không hề làm giảm đi niềm đam mê với xe hơi mà ngược lại, càng khiến cho tình yêu ấy mạnh mẽ hơn. Vị doanh nhân từng chia sẻ với cha mình về ước mơ tương lai là học về ngành ô tô và mong muốn một ngày nào đó, gia đình có thể sở hữu một hãng sản xuất xe của riêng mình.

Cho đến hiện tại, ông Võ Quang Huệ cho biết đã thực hiện giấc mơ tuổi trẻ không phải bằng cách mở hãng ô tô riêng mà qua việc gắn bó với dự án VinFast do ông Phạm Nhật Vượng khởi xướng. 

Ông đã dành gần 1.000 ngày làm việc với tinh thần hết mình cho dự án này, có cơ hội để góp phần xây dựng một thương hiệu ô tô mang dấu ấn Việt Nam.

Với con số năm dự án khởi nghiệp mà ông Huệ từng tham gia, bao gồm ba dự án của BMW tại Việt Nam, Mexico và Ai Cập; một dự án của Bosch và VinFast tại Việt Nam, kinh nghiệm đã giúp vị lãnh đạo này nhận thức rõ ràng về những thách thức khi khởi nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô: từ vốn đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quản lý nhà máy sản xuất, đến chính sách bán hàng và quản lý giá xe trên thị trường. 

Vượt qua thách thức

Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án ô tô VinFast đã kể lại thách thức ban đầu là phải đưa ra thị trường dòng xe đầu tiên trong vòng 2 năm. 

Ở thời điểm ấy, mọi người, bao gồm cả ông Huệ, đều cảm thấy bị sốc vì mục tiêu thời gian này quá thách thức, khi ngay cả với một công ty lớn như BMW, việc thiết lập một nhà máy và bắt đầu sản xuất một dòng xe mới ở Mỹ cũng mất từ 4-5 năm.

Tuy nhiên, với sự định hướng và quyết tâm từ ban lãnh đạo, cùng với những giải pháp thích hợp, chỉ trong khoảng 21-22 tháng, họ đã thực hiện được mục tiêu này bằng cách xuất xưởng dòng xe xăng đầu tiên của VinFast. Điều quan trọng giúp họ đạt được điều này là sự hợp tác với BMW, cho phép VinFast sử dụng nền tảng của BMW để thiết kế và sản xuất xe, từ đó rút ngắn thời gian và đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

Tại VinFast, ông Võ Quang Huệ cho biết họ đã áp dụng phương pháp đồng thời tiến hành nhiều công đoạn cùng lúc, dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng - người được mô tả là CEO thực sự của VinFast. 

Phương pháp tiến hành đồng thời này giúp rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm đáng kể, với mỗi chiếc xe đều được kiểm nghiệm chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường. Điều này yêu cầu sự chuyên nghiệp và khoa học trong tổ chức công việc, là chìa khóa giúp họ nhanh chóng hoàn thành mục tiêu. 

Ô tô điện sẽ sớm trở thành tương lai?

Theo vị cựu lãnh đạo dự án VinFast, ngay từ thời điểm đầu hợp tác, những người tham gia dự án đều biết lĩnh vực ô tô sẽ phát triển theo các giai đoạn nhất định. Hiện nay, thế giới đang sử dụng xe chạy bằng xăng và dầu, tiếp theo là xe hybrid (xe lai) và xe điện. 

Trong tương lai, ông Huệ cho biết con người sẽ chứng kiến sự thịnh hành của xe điện và xe hydro, với một số quốc gia đã lên kế hoạch ngừng sử dụng xe xăng, xe dầu trong thập kỷ sau.

Thói quen sử dụng phương tiện di chuyển của người dân toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, sẽ thay đổi mạnh mẽ khi hướng tới việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường và tích hợp công nghệ tiên tiến hơn so với xe xăng truyền thống. Đây cũng là động thái bức thiết khi mà Hà Nội và TPHCM đang là những thành phố có chỉ số ô nhiễm môi trường cao trong top đầu thế giới.

Các hãng xe mới tham gia ngành, nhờ vào lợi thế “kẻ đến sau” có thể lựa chọn áp dụng ngay những công nghệ mới nhất và tiên tiến nhất mà không cần trải qua các công nghệ cũ. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, thương hiệu cần phải có trung tâm nghiên cứu riêng và nắm vững công nghệ cốt lõi. Bên cạnh đó, thành công của một hãng xe không chỉ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà còn cần có sự ủng hộ từ người tiêu dùng và được chính phủ hỗ trợ thông qua các chính sách phù hợp.

Xem thêm