Quảng cáo

Hầu hết các hãng ô tô đều nhận đánh giá ‘kém’ về hệ thống hỗ trợ người lái

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ tư, 13/03/2024 07:48 AM (GMT+7)
A A+

Có tới 11/14 hệ thống hỗ trợ người lái ô tô được cơ quan an toàn giao thông Mỹ đánh giá ở mức “kém”.

Hệ thống hỗ trợ người lái trên ô tô đa số đều nhận đánh giá kém an toàn

Theo trang Motor1, Viện Bảo hiểm An toàn Giao thông Mỹ (IIHS) không tin rằng các nhà sản xuất ô tô đang theo dõi chặt chẽ đúng mức khi lái xe sử dụng các hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến. Một báo cáo mới từ cơ quan này đã đưa ra đánh giá “kém” (poor) cho 11 trong số 14 hệ thống giám sát/hỗ trợ người lái trên thị trường hiện nay, trong khi hai hệ thống được xếp loại trung bình và chỉ có một hệ thống được đánh giá là “chấp nhận được”. Trong khi đó, không có hệ thống nào đạt được đánh giá tốt.

Theo tiêu chuẩn của IIHS, phương tiện muốn nhận được đánh giá tốt đòi hỏi các hệ thống phải theo dõi ánh mắt và vị trí tay của lái xe và phải có hai cảnh báo trong khoảng 10 giây nếu phát hiện mất an toàn. 

Nếu lái xe vẫn được coi là mất tập trung sau 20 giây, một cảnh báo thứ ba phải được thực hiện hoặc xe phải bắt đầu hành động khẩn cấp để đi chậm lại và an toàn rời khỏi đường. 

Tesla gây bất ngờ

IIHS đã thử nghiệm 14 hệ thống khác nhau của Lexus, GM, Ford, Genesis, BMW, Mercedes, Nissan, Volvo và Tesla. Đánh giá của đơn vị này không chỉ nằm ở việc xem liệu các hãng có thể giữ một chiếc ô tô chạy dọc theo xa lộ mà không cố gắng lao thẳng vào chiếc xe đang chạy tới hay không. Những người thử nghiệm đã xem xét các yếu tố như cách người lái xe được giám sát và nhắc nhở chú ý cũng như hành động phương tiện thực hiện khi người lái xe phớt lờ những lời nhắc đó. 

Điều đáng kinh ngạc là 11 trong số 14 hệ thống được IIHS xếp hạng là “kém”, bao gồm cả hệ thống Autopilot của Tesla và công nghệ Full Self Driving đắt tiền của công ty. Hệ thống tự lái cấp 3 của Mercedes không được đánh giá, nhưng hệ thống Distronic trên dòng C-Class – vốn không có camera nhận diện khuôn mặt – bị xếp loại kém, cũng như hệ thống BlueCruise trên chiếc crossover điện Mustang Mach-E của Ford.

Lexus dẫn đầu với đánh giá “chấp nhận được”

Lexus là hãng xe duy nhất đạt đánh giá chấp nhận được, trong khi General Motors và Nissan nhận hai đánh giá trung bình. Nghiên cứu cũng thừa nhận rằng Ford gần như đạt được đánh giá tốt hơn, nhưng cuối cùng lại bị thiếu hụt ở một số hạng mục.

Alexandra Mueller, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của IIHS, người đứng đầu việc phát triển chương trình mới, cho biết: “Những thiếu sót khác nhau sẽ xuất hiện tùy theo từng hệ thống. Nhiều phương tiện hiện tại không giám sát đầy đủ xem người lái xe đang nhìn đường hay đang chuẩn bị kiểm soát xe.”

Cơ quan an toàn giao thông Mỹ đề ra giải pháp khắc phục

Mặc dù nghiên cứu chỉ ra điểm yếu của các hệ thống, IIHS tin rằng những sửa đổi có thể được thực hiện chủ yếu thông qua các bản cập nhật phần mềm.

Chủ tịch IIHS David Harkey cho biết: “Một số tài xế có thể cảm thấy rằng việc tự động hóa một phần giúp lái xe đường dài dễ dàng hơn, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy nó hỗ trợ lái xe an toàn hơn”. 

“Như nhiều vụ tai nạn nổi tiếng đã xảy ra, hệ thống này có thể gây ra những rủi ro mới khi hệ thống thiếu các biện pháp bảo vệ thích hợp.” Tuy nhiên, Harkey cũng chỉ ra rằng mặc dù không có hệ thống nào nổi bật nhưng mỗi hệ thống đều có điểm mạnh khác nhau, và các nhà sản xuất ô tô có khả năng tạo ra các hệ thống an toàn hơn chỉ bằng cách thực hiện những thay đổi trong phần mềm.

Xem thêm