Quảng cáo

Ô tô điện đang khiến nhiều thị trường trọng điểm tuột khỏi tay Toyota và các hãng xe Nhật?

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ hai, 10/07/2023 13:30 PM (GMT+7)
A A+

Các thương hiệu ô tô Nhật Bản có nguy cơ đánh mất thị phần khi người tiêu dùng ngày càng đón nhận sự xuất hiện của xe điện.

Khi xe điện chiếm thị phần lớn hơn trong doanh số bán ô tô toàn cầu, với mức 7% tại Úc và Thái Lan, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vốn chậm chạp trong phát triển xe điện có nguy cơ mất nhiều thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc. Đáng chú ý, điều này xảy ra tại những thị trường vốn được coi là trọng điểm, “truyền thống” vì sự hiện diện của xe Nhật đã “ăn sâu bén rễ” từ lâu.

Doanh số bán xe điện ở châu Á và châu Đại Dương tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái lên 530.000 chiếc trong tháng 5, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu MarkLines. Trong số đó, Thái Lan và Úc có sự tăng trưởng đặc biệt đáng chú ý.

Theo tờ báo về tài chính Nikkei Asia, doanh số bán xe điện của Thái Lan trong tháng 5 đã tăng gấp 13 lần lên 5.000 chiếc, tăng từ 0,5% lên 7% tổng doanh số bán ô tô. Tại Úc, doanh số bán xe điện tăng gấp 15 lần lên 7.000 chiếc, với tỷ lệ cũng tăng từ 0,5% lên 7%. Dữ liệu bao gồm các phương tiện thương mại như xe tải và xe buýt ngoài xe khách.

Để so sánh, tỷ lệ xe điện trong số xe chở khách được bán tại Nhật Bản 6 tháng đầu năm chỉ là 2,3%.

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang có những động thái lớn ở Thái Lan. Hãng xe lớn nhất Trung Quốc BYD, hiện chiếm khoảng 40% doanh số bán xe điện của Thái Lan, có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở tỉnh Rayong. 

Công ty ô tô Changan thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc sẽ đầu tư 9,8 tỷ baht (280 triệu USD) vào một nhà máy xe điện cũng tại Rayong, trong khi SAIC Motor và Great Wall Motor đang lên kế hoạch sản xuất tại Thái Lan.

Tháng 2/2022, chính phủ Thái Lan đưa ra chính sách thu hút các nhà máy sản xuất xe điện. Các khoản trợ cấp lên tới 150.000 baht (tương đương khoảng 100 triệu đồng) sẽ được áp dụng cho ô tô chở khách có giá từ 2 triệu baht (tương đương 1,34 tỷ đồng) trở xuống với điều kiện việc sản xuất trong nước bắt đầu vào cuối năm tới.

Các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản được cho là chiếm tới 80% doanh số bán ô tô mới tại Thái Lan. Vào những năm 1960, các hãng xe như Toyota Motor đã bắt đầu sản xuất tại đây, giúp phát triển ngành công nghiệp địa phương. 

Thái Lan là nhà sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai sau Indonesia. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chiếm ưu thế đến mức trong nhiều thập kỷ, họ đã coi nó gần như là một phần mở rộng của thị trường quê hương.

Tuy nhiên, các loại xe điện như bZ4x của Toyota và Nissan Leaf đã chậm tung ra thị trường này và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lại tiếp tục tụt hậu trong lĩnh vực xe điện.

Quá trình chuyển đổi của Thái Lan đặt ra một thách thức đối với các thương hiệu xe hơi khác khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm ưu thế cực lớn. Họ tăng cường xuất khẩu xe điện và xây dựng nhà máy ở nước ngoài như một cách để giảm phụ thuộc vào thị trường nội địa hiện trở nên cực kỳ cạnh tranh.

Ví dụ, ở châu Âu, nơi các chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện trong nước vẫn đang được hình thành, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng tạo ra một cú hích lớn, giúp xe điện hiện chiếm gần 1/5 tổng doanh số bán hàng.

Tại Úc, Tesla chiếm khoảng 60% doanh số bán xe điện, trong khi BYD chiếm 20%. Chính phủ Úc đã công bố chiến lược xe điện quốc gia đầu tiên vào tháng 4, cam kết hỗ trợ việc “phủ sóng” loại phương tiện này bằng cách mở rộng cơ sở hạ tầng sạc điện.

Khoảng 40% lượng xe chở khách nhập khẩu vào Australia đến từ Nhật Bản. Mặc dù các thương hiệu Nhật Bản có thị phần cao, đặc biệt là ở phân khúc xe bán tải, nhưng ở Thái Lan, họ có nguy cơ mất thị trường xe điện vào tay các đối thủ Trung Quốc, chẳng hạn như BYD, vốn đã gia nhập thị trường từ năm 2022.

Tại Indonesia, doanh số bán xe điện trong tháng 5 tăng hơn 5 lần lên 1.000 chiếc, nhưng tỷ trọng so với tổng doanh số chỉ là 2% - ngang bằng với Nhật Bản. Tận dụng trữ lượng niken dồi dào thường được sử dụng trong pin, quốc gia này đang nỗ lực thu hút các hãng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe điện.

Nước có mức độ phổ biến ô tô điện cao nhất vẫn là Trung Quốc, với tỷ lệ xe điện (so với tổng doanh số) tiếp tục tăng mạnh lên 21% vào tháng 5. Đáng chú ý, vào năm 2020, con số này chỉ mới đạt từ 5-6%. Trong tương lai gần, Thái Lan và Úc cũng có thể chứng kiến sự tăng tốc tương tự.

Tuy nhiên, có một vấn đề xảy ra cản trở tốc độ phát triển của ô tô điện khí hóa. Đó là giá pin tăng đang dẫn đến việc các nước phải cắt giảm trợ cấp mua xe dành cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, tỷ lệ bán xe điện của Đức từng là 29% vào cuối năm 2022, nhưng gần đây đã giảm xuống còn khoảng 15%.

Xem thêm