Quảng cáo

Phẫn nộ với nhóm thanh niên ngổ ngáo dùng mã tấu chém ô tô trên đường

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ ba, 05/03/2024 08:07 AM (GMT+7)
A A+

Một nhóm các đối tượng điều khiển xe máy kẹp ba không đội mũ bảo hiểm sử dụng mã tấu chém ô tô trên đèo Đa Mi, đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Nhóm thanh niên kẹp ba không mũ bảo hiểm ngang nhiên chém ô tô trên quốc lộ

Vào ngày 4/3, một tài xế đã chia sẻ đoạn video ghi lại từ camera hành trình về việc anh đang lái xe từ Bình Thuận về Lâm Đồng thì bị một thanh niên vung mã tấu chém vào xe.

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 3/3, tại km105 + 700, quốc lộ 55 đoạn qua xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Một nhóm nam nữ không đội nón bảo hiểm đang phóng xe theo chiều ngược lại thì bất ngờ người thanh niên ngồi sau trên xe máy thứ nhất vung mã tấu chém vào phía gương chiếu hậu của ôtô. 

Rất may, tài xế đang lái xe sát lề nên tránh được cú đánh.

Qua đoạn clip có thể nhận thấy trong số 6 người đi xe máy, có 1 cô gái tay cầm điện thoại giơ lên, giống như để ghi hình lại và còn cười đùa.

Tài xế ôtô cho biết đây là tình huống vô cùng nguy hiểm và có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Khi đang lái trên đoạn đường đèo, nếu những người lái xe “non” kinh nghiệm gặp tình huống như vậy có thể sẽ giật mình đánh lái và dẫn đến hậu quả không lường trước được.

Hiện lãnh đạo UBND xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã nhận được thông tin về sự việc và đã chỉ đạo Công an xã Đa Mi tiến hành xác minh, làm rõ các đối tượng. Bước đầu, công an địa phương cho biết đã xác định khoảng 10 thanh niên và đang làm rõ hành vi như trên.

Ở phần bình luận dưới video, nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi “vô pháp vô thiên” của nhóm thanh niên và cho rằng cần phải có hình thức xử lý thích đáng.

Tài khoản H.N chia sẻ: “Dùng mã tấu đã vi phạm, lại còn chém ô tô thì xong rồi. Trong khi ô tô không có mâu thuẫn gì”.

Hành vi chém xe ô tô của người khác có thể bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. 

Người có hành vi vi phạm còn đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu tài sản bị đập phá

Đáng chú ý, hành vi đập phá, chém xe ôtô của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, căn cứ Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác với trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng bị áp dụng hình thức xử phạt tương tự.

Xem thêm