Quảng cáo

Tình hình mưa lũ phức tạp, Hà Nội cấm nhiều loại xe qua cầu Chương Dương

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ ba, 10/09/2024 10:18 AM (GMT+7)
A A+

Hà Nội vừa có thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện đi qua cầu Chương Dương do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Vào sáng ngày 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông báo về việc hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu Chương Dương.

Cụ thể, ở hướng từ Hoàn Kiếm sang Long Biên: xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, và ôtô tải trên 0,5 tấn bị cấm lưu thông; xe buýt vẫn được phép hoạt động bình thường. 

Ở chiều ngược lại, từ Long Biên sang Hoàn Kiếm: các loại xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và ôtô tải trên 0,5 tấn cũng bị cấm; xe buýt vẫn được phép lưu thông.

Đối với các loại xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và ôtô tải trên 0,5 tấn, lộ trình thay thế sẽ đi qua các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, và Thăng Long.

Thời gian áp dụng bắt đầu từ 8h30 ngày 10/9 cho đến khi có thông báo mới.

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc cấm một số phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Do ảnh hưởng của bão Yagi, các nhà máy thủy điện đang xả lũ, làm mực nước sông Hồng dâng cao và dòng chảy xiết, gây ảnh hưởng đến kết cấu của cầu.

Theo thông tin phản ánh của người dân khu phố Bảo Linh, phường Phúc Tân-khu vực sát chân cầu Chương Dương sáng nay cho biết, nhiều đoạn sát chân cầu nước sông dâng cao, còn cách 1m là ngập đến nhà dân.

Cầu Chương Dương được xây dựng từ năm nào?

Cầu Chương Dương được khởi công xây dựng vào năm 1983 và đưa vào sử dụng từ tháng 6/1985, đến nay đã 39 năm. Từ năm 1985 đến 2010, đây là cây cầu duy nhất cho xe ôtô từ trung tâm Hà Nội qua Gia Lâm, kết nối với các tỉnh phía Bắc. 

Hiện mỗi ngày có khoảng 95.000 lượt xe qua lại cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế ban đầu.

Theo cơ quan chức năng, cầu đã được tiến hành kiểm định hai lần vào các năm 2013 và 2021. Kết quả cho thấy công trình vẫn đảm bảo khả năng chịu lực. Tuy nhiên, mặt cầu đã xuất hiện các vết hư hỏng như ổ gà và bong tróc bê tông tại một số vị trí; cánh gà phía thượng và hạ lưu đã hư hỏng, lộ cốt thép; nhiều nơi bị han gỉ...

Trước đó, vào sáng 9/9, cầu Phong Châu tại Phú Thọ đã sập, làm khoảng 10 ôtô, hai xe máy và 13 người mất tích. Lo ngại vụ việc tương tự xảy ra, các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Tuyên Quang đã ra lệnh cấm xe qua 9 cây cầu.

Xem thêm