Quảng cáo

Từ 1/6, người học bằng lái ô tô cần lưu ý những quy định mới nào?

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ tư, 29/05/2024 15:05 PM (GMT+7)
A A+

Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe ô tô, mô tô các hạng có thể lựa chọn học trực tuyến đối với một số nội dung lý thuyết bắt đầu từ ngày 1/6.

Thông tư 5/2024 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây. Trong đó, các quy định về đào tạo lái xe, GPLX được đề cập chi tiết hơn trước.

Học lý thuyết trực tuyến

Đối với các hạng bằng lái B2, C, D, E, F, học viên có thể lựa chọn học lý thuyết bằng hình thức trực tuyến (từ xa), bên cạnh các hình thức khác như học tập trung tại cơ sở đào tạo, hoặc kết hợp giữa học tập trung và trực tuyến.

Riêng các nội dung lý thuyết như cấu tạo và sửa chữa thông thường, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn kỹ thuật lái xe, học viên bắt buộc phải học trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, môn thực hành vẫn sẽ học tập trung.

Ở quy định của Thông tư 12/2017 trước đây, việc học lái xe của học viên đều tập trung tại cơ sở đào tạo, áp dụng cho cả nội dung lý thuyết và thực hành. Theo các chuyên gia, việc đa dạng hóa các hình thức học là bước đi hợp lý tại thời điểm này, giúp học viên tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chủ động hơn khi không phải đến trung tâm học lý thuyết.

Học lái xe ban đêm

Lái xe ban đêm là một trong số các nội dung đào tạo lái xe. Theo đó, thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau.

Trước đây, thông tư 4/2022 của Bộ GTVT cũng quy định học viên phải có tối thiểu 4h thực hành lái xe ban đêm.

Các trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe (GPLX)

Nếu có hành vi gian dối để được cấp GPLX, tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX, hoặc để người khác sử dụng GPLX của mình, chủ GPLX sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi GPLX.

Bên cạnh những trường hợp trên, nếu cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX cho người không đủ điều kiện, có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú..., hoặc xác định người lái xe sử dụng chất ma túy, GPLX cũng sẽ bị thu hồi.

Giấy phép lái xe trên hệ thống VneID là hợp lệ

Nếu thông tin GPLX của người sở hữu đã được xác thực trên VneID, ứng dụng định danh điện tử của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), GPLX này cũng có giá trị sử dụng tương tự bản cứng.

Đây là quy định nhiều khả năng sẽ mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng cho các tài xế trong thời gian tới.

Trước đây, GPLX hợp lệ phải làm bằng vật liệu PET do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VneID.

Hồ sơ của người học lái xe

Thông tư 05/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT cũng sửa đổi, bổ sung một số điều về hồ sơ của người học lái xe.

Theo đó, người học lái xe lần đầu lập 1 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp GPLX theo mẫu; Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài; Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Người học lái xe nâng hạng lập 1 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo và chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu GPLX.

Hồ sơ bao gồm: Giấy tờ quy định trên; bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E; bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu.

Người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 lập 1 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

Xem thêm