Quảng cáo

VinFast dự kiến bán 50.000 xe trong năm nay, có thể hòa vốn vào cuối năm 2024

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ năm, 18/05/2023 10:50 AM (GMT+7)
A A+

Chủ tịch tập đoàn Vìngroup Phạm Nhật Vượng cho rằng VinFast đang dần đạt đến điểm hòa vốn và sẽ bắt đầu có lãi trong vài năm tới.

Trong buổi đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup (VIC) diễn ra vào ngày 17/5, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý về tham vọng và tương lai của nhà sản xuất ô tô điện VinFast.

Cuộc họp cổ đông diễn ra muộn hơn so với mọi năm, và thời điểm là ngay sau khi VinFast, công ty con chịu trách nhiệm về mảng công nghiệp của Vingroup, tuyên bố ý định niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập.

Cuối tháng 4, Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng đã công khai kế hoạch rót thêm 2,5 tỷ USD vào VinFast, bao gồm khoản tài trợ 1,5 tỷ USD và phần còn lại cho vay trong thời hạn 5 năm. Việc rót vốn này sẽ phục vụ cho việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của VinFast.

Trước đó, VinFast đã tiết lộ trong bản cáo bạch gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) rằng họ đã phải chịu những khoản lỗ lũy kế lên tới vài tỷ USD trong hơn 5 năm tham gia vào ngành công nghiệp xe điện.

Tuy nhiên, theo chuyên trang về xe điện Electrek, VinFast có những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai. 

VinFast đang nhanh chóng tạo dựng tên tuổi của mình trên thị trường xe điện sau khi tuyên bố sẽ chấm dứt sản xuất xe chạy động cơ đốt trong và trình làng các mẫu SUV điện VF 8 và VF 9 tại LA Auto Show vào năm 2021.

Reuters dẫn lời ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup, nói rằng ông kỳ vọng VinFast sẽ bán được tới 50.000 xe điện trong năm nay. Ngoài ra, ông cũng cho biết con số đó có thể tăng gấp đôi vào năm 2024.

VinFast đã bán được khoảng 7.400 chiếc vào năm 2022, vì vậy 50.000 chiếc sẽ tương ứng với mức tăng trưởng hơn 575% so với cùng kỳ năm ngoái

Hơn nữa, ông Vượng cho biết “nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch”, VinFast có thể đạt điểm hòa vốn ngay khi kết thúc năm 2024. Nếu đúng như vậy, điều này sẽ ngang bằng với Rivian và vượt qua Ford và GM.

Đáng chú ý, cả 3 thương hiệu trên đều là những hãng xe lớn tại thị trường Mỹ. Ford và GM là hai thương hiệu xe hơi lâu đời vốn đã quá quen thuộc, trong khi đó Rivian lại có thể xem là khá giống với VinFast khi cùng là một công ty chuyên sản xuất xe điện (thành lập năm 2009). Đây là một thương hiệu lớn, có chỗ đứng nhất định tại thị trường Mỹ, đồng thời nhận được sự đầu tư và hậu thuẫn từ Ford cũng như tập đoàn đa quốc gia Amazon.

Mục tiêu của VinFast sản xuất 50.000 xe trong năm nay cũng giống với điều mà Rivian hướng đến. Tuy nhiên, đây sẽ là mục tiêu khó khăn hơn đối với nhà sản xuất ô tô Việt Nam, khi mà Rivian đã bán được 9.395 xe trong quý I/2023.

Ông Vương cho biết VinFast có thể sản xuất một chiếc xe bán tải chạy điện và một chiếc ô tô mini giá rẻ có giá khoảng 10.000 đến 12.000 USD (tương đương 200-300 triệu đồng) để mở rộng thị trường, mặc dù không đưa ra thêm thông tin chi tiết.

Khi được cổ đông hỏi về vấn đề khi nào VinFast có lãi, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tự tin chia sẻ: “Khi sản lượng tăng cao, chúng tôi sẽ tối ưu chi phí và dần có lãi. Thu hồi vốn có 2 hình thức, vừa từ sản xuất kinh doanh, hai là huy động thêm vốn. Nếu định giá 23 tỷ USD sau khi niêm yết với mức đầu tư 8 tỷ thì chi phí đó không phải quá lớn. Đợi khi thị trường sầm uất trở lại, VinFast có đầy đủ dải sản phẩm, kinh doanh có lãi thì sẽ sớm mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”.

Về chuỗi cung ứng của VinFast, chủ tịch Vingroup cho biết đang nỗ lực giảm thiểu số lượng nhà cung cấp bằng cách tăng cường sử dụng chung linh kiện cho các mẫu ô tô, tạo ra sản lượng đáng kể và cắt giảm chi phí. Ngoài ra, công ty tập trung vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cách tạo điều kiện thành lập nhà máy cho nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam. 

Ông Vượng bày tỏ sự hài lòng với sự phát triển nhanh chóng và trình độ công nghệ của đội ngũ VinFast, đồng thời cho biết tỷ lệ nội địa hóa hiện đã đạt 60%.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh nếu VinFast niêm yết thành công thì đây sẽ là hãng xe thuần điện lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Tesla (Mỹ) và Li Auto (Trung Quốc).

Xem thêm