Thành công của bóng chuyền nữ Việt Nam, giải VĐQG 2023 được hưởng lợi 'khủng'?

Nguyên Vũ Nguyên Vũ
Thứ ba, 17/10/2023 14:47 PM (GMT+7)
A A+

Chất lượng chuyên môn của giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 được đánh giá tăng vọt với sự xuất hiện của nhiều ngoại binh đáng chú ý.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ghi nhận một mùa giải thành công, vượt ngoài mong đợi ban đầu. Đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt xuất sắc lọt vào top 4 của hai giải đấu lớn thuộc cấp châu lục - Giải bóng chuyền nữ vô địch Châu Á và Đại hội thể thao Châu Á. Đây đều là những thành tích lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam. Ngoài ra, các nữ tuyển thủ còn giành chức vô địch AVC Challenge Cup và tấm HCB tại SEA Games 32.

Sport Center 1, với nòng cốt là các tuyển thủ quốc gia, bước lên bục vinh quang tại Giải vô địch bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2023 và giành tấm vé đại diện châu Á tranh tài tại giải các CLB bóng chuyền nữ thế giới.

Thành công của bóng chuyền nữ Việt Nam tại đấu trường quốc tế được xem như tiền đề cho các phong trào các giải đấu quốc nội nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý. Qua những giải đấu này, người hâm mộ mong muốn nhìn thấy được những gương mặt đại diện cho tương lai bóng chuyền nữ Việt Nam. Các tuyển thủ quốc gia như Trần Thị Thanh Thúy, Hoàng Thị Kiều Trinh hay Trần Tú Linh sẽ có nhiều cơ hội xuất ngoại thi đấu, từ đó học hỏi kinh nghiệm và bổ sung tính cọ xát với môi trường bóng chuyền thế giới.

Vòng 2 của giải bóng chuyền VĐQG 2023 diễn ra từ ngày 3/11 đến 12/11 tại hai thành phố Đắk Nông và Đà Nẵng. Sau khi phân định thứ hạng chặng đầu tiên, 10 đội bóng sẽ chia thành hai bảng đấu, thi đấu vòng tròn tính điểm để tìm ra 4 đội dẫn đầu vào vòng loại trực tiếp.

Hai đội xếp cuối của các bảng sẽ phải xuống chơi ở giải hạng dưới mùa sau. Đây cũng là điểm mới trong cơ cấu tổ chức của giải đấu VĐQG năm 2023. Theo ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, việc xuống hạng tạo ra tính cạnh tranh xuyên suốt giải đấu. Các đội bóng phải thể hiện sự quyết liệt cho một suất trụ hạng cũng như chiếc cúp vô địch danh giá.

Chất lượng chuyên môn của giải đấu năm nay được đánh giá có sự thăng tiến vượt bậc khi quy tụ số lượng lớn các ngoại binh đáng chú ý. Theo quy định, mỗi đội bóng được phép đăng ký tối đa 2 ngoại binh, tuy nhiên khi thi đấu chỉ được sử dụng 1 vận động viên. Điều này mang đến cơ hội cho những đội bóng có hậu thuẫn tài chính "khủng". 

Mới đây, đại diện đội bóng Bộ tư lệnh Thông tin - Trường Tươi Bình Phước lên tiếng về khả năng bổ sung 2 vị trí ngoại binh vào đội hình tham dự giải VĐQG 2023. Mặc dù đội ngũ ban huấn luyện vẫn ưu tiên sử dụng các nội binh "cây nhà lá vườn", việc bắt kịp xu hướng sử dụng ngoại binh như các đối thủ cạnh tranh khiến HLV Phạm Minh Dung và các cộng sự vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng những quyết định bổ sung. Bộ khung gồm các tuyển thủ quốc gia như Hoàng Thị Kiều Trinh, Đoàn Thị Lâm Oanh hay Phạm Thị Nguyệt Anh cần thêm những "ngòi nổ" thực sự đột biến để tạo ra bất ngờ.

CLB Hóa Chất Đức Giang đang là đội bóng "chịu chi" nhất tại kì chuyển nhượng sôi động của bóng chuyền Việt Nam. Số tiền mà bầu Huyền phải bỏ ra để có sự phục vụ của đối chuyền 1m98 Polina Rahimova ước tính lên tới hơn 75.000 USD (1,8 tỷ đồng). Trước đó, Polina Rahimova thi đấu cho CLB Geleximco Thái Bình và đưa đội bóng này tới chức vô địch quốc gia 2022 sau chiến thắng trước đội bóng hiện tại - Hóa Chất Đức Giang Tia Sáng.

Nhiều tên tuổi từng thi đấu tại các nền bóng chuyền phát triển cực thịnh như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Brazil được các CLB tại giải VĐQG 2023 đưa về. Việc bổ sung lực lượng hùng hậu cho thấy quyết tâm của các đội bóng trong việc giành chức vô địch tại giải này. Một số ngoại binh được đánh giá cao bao gồm: Gina Mambru Casilla (CH Dominica/TP.HCM), Ayumi Nakamura (Nhật Bản/Thanh Hóa), Anisova Bohdana (Ukraine/Ngân Hàng Công Thương), Darin Pinsuwan (Thái Lan/Ninh Bình LVPB).

Xem thêm