Thất bại toàn tập, ĐT bóng rổ nam Mỹ có thành tích quốc tế tệ nhất kể từ năm 2004

Nguyên Vũ Nguyên Vũ
Thứ hai, 11/09/2023 14:00 PM (GMT+7)
A A+

HLV Steve Kerr cùng các học trò đang đứng trước "búa rìu dư luận" sau hành trình đáng thất vọng tại kì FIBA World Cup bóng rổ nam 2023.

Huy chương đồng, huy chương bạc, không có huy chương, hạng nhì, hạng ba, hạng tư hoặc tệ hơn, chỉ cần đội tuyển bóng rổ nam quốc gia Hoa Kỳ không giành được huy chương vàng tại một giải đấu lớn thì đó coi như thất bại.

Trên thực tế, "ngai vàng" không phải lúc nào cũng đảm bảo cho tuyển Mỹ, đặc biệt tại FIBA World Cup - khi chất lượng của các đội ở Châu Âu, Nam Mỹ ngày càng được cải thiện. Khu vực Bắc Mỹ cũng chứng kiến sự tiến bộ rõ rệt của ĐT bóng rổ nam Canada.

Shai Gileous-Alexander đã tiễn các tuyển thủ Mỹ ra về "tay trắng" khi Canada giành chiến thắng với tỷ số 127-118 trong hiệp phụ trong trận "derby Bắc Mỹ" tranh huy chương đồng. Đây là tấm huy chương đầu tiên của Canada tại World Cup sau 87 năm, một thành tích hoành tráng đối với quốc gia có khát vọng giành huy chương Olympic vào mùa hè tới tại Paris.

ĐT bóng rổ nước Mỹ đứng thứ 7 tại FIBA World Cup 2019 và đã không giành được chức vô địch kể từ các danh hiệu World Cup bóng rổ liên tiếp vào năm 2010 và 2014. Sau nỗi thất vọng từ Thế vận hội Athens 2004 (HCĐ) và FIBA World Cup 2006 (HCĐ), các tuyển thủ NBA ra sức tập trung vào việc thiết lập lại sự thống trị của bóng rổ toàn cầu.

Và họ đã làm được điều đó, giành mọi huy chương vàng Olympic kể từ huy chương đồng ở thế vận hội Athens. Nhưng trái đất vẫn quay tròn một cách bấp bênh và thời thế thay đổi.

FIBA World Cup không nhận được nhiều chú ý như Thế vận hội và tuyển bóng rổ Mỹ đã không thể thi đấu hết mình. Không một ai nghĩ một đội tuyển quy tụ các hào thủ xuất sắc tại giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh NBA sẽ nhận thất bại "muối mặt" như vậy.

Phần còn lại của bóng rổ thế giới dần thu hẹp khoảng cách chuyên môn. Điều đó được thể hiện rõ qua số lượng cầu thủ quốc tế tại NBA ngày càng tăng. Trong những năm trở lại đây, danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải NBA" đã được trao cho những cầu thủ sinh ra và lớn lên bên ngoài xứ cờ hoa.

Tuyển bóng rổ Mỹ tham dự kì FIBA World Cup lần này bộc lộ rõ những thiếu sót, với việc đội hình chưa đủ chiều sâu và thiếu đi các cầu thủ kiến tạo lối chơi phù hợp. Những người hâm mộ trái bóng cam hy vọng Mỹ sẽ vượt trội hơn đối thủ về tài năng và trong hầu hết các trường hợp, họ đã làm được. Nhưng khi đối đầu với một số đội bóng hàng đầu châu Âu, tài năng thôi là chưa đủ.

Mỹ thua Lithuania ở vòng bảng và Đức ở bán kết. Các trụ cột của Đức gồm Dennis Schroder, Franz Wagner, Mo Wager, Daniel Theis và Andreas Obst đã thi đấu cùng nhau trong nhiều sự kiện FIBA, bao gồm cả giải EuroBasket năm ngoái - nơi họ giành được huy chương bạc và giờ là huy chương vàng World Cup năm nay sau khi vượt qua Serbia ở trận chung kết.

Các học trò của HLV Steve Kerr không tìm thấy được sự kết nối khi họ chỉ bắt đầu tập luyện cùng nhau lần đầu tiên vào tháng 8 và chơi 5 trận giao hữu trước thềm giải đấu FIBA World Cup.

Ngoài ra, luật bóng rổ quốc tế FIBA ​​là một phạm trù hoàn toàn khác, hạn chế một số quyền tự do tấn công như ở giải NBA.

Chiều sâu đội hình và sức mạnh tập thể đóng vai trò quan trọng và đội tuyển Mỹ tham dự World Cup thiếu đi những điều đó. Họ không có những nhân tố thực sự nổi bật, các ngôi sao chưa tìm được tiếng nói chung trong các bài chạy tấn công lẫn các tình huống phòng thủ cận rổ.

Mặc dù vậy, ĐT bóng rổ nam nước Mỹ vẫn sẽ là ứng cử viên nặng ký, cạnh tranh tấm huy chương vàng tại Olympic Paris 2024, bất kể kết quả World Cup như thế nào. Thất bại này là một bài học "xương máu" cho HLV Steve Kerr, đội ngũ huấn luyện và các cầu thủ. Họ cần phải tiến bộ hơn nữa vào mùa hè tới nếu muốn chinh phục lại đỉnh cao bóng rổ thế giới.

Xem thêm