Việt Nam hưởng lợi từ chuyện tăng lương của Liên đoàn bóng chuyền Hàn Quốc?

Nguyên Vũ Nguyên Vũ
Thứ tư, 20/12/2023 15:35 PM (GMT+7)
A A+

Cơ hội xuất ngoại thi đấu của các cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam đang rộng mở, xuất phát từ những thay đổi tích cực của Liên đoàn bóng chuyền Hàn Quốc.

Vào ngày 19/12, Chủ tịch Cho Won Tae của Liên đoàn bóng chuyền Hàn Quốc (KOVO) đã tổ chức cuộc họp hội đồng quản trị và đưa ra những thay đổi đáng chú ý

Theo đó, KOVO quyết định mở rộng hạn ngạch các quốc gia đủ điều kiện cho Cuộc tuyển chọn ngoại binh Châu Á 2024 (Asia Quota).

Hạn ngạch này lần đầu tiên được giới thiệu trước mùa giải 2023-2024. Nó chỉ giới hạn cho các cầu thủ tham gia tuyển quân đến từ 10 quốc gia, trong đó có 4 quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Mông Cổ, Đài Loan, Hồng Kông) và 6 quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar). 

Với quyết định trên, các cầu thủ từ 64/65 quốc gia thành viên, ngoại trừ Hàn Quốc, đã đăng ký với Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC), đều có thể tham gia kỳ tuyển quân trong mùa giải bóng chuyền VĐQG Hàn Quốc 2024-2025.

Nhiều đề xuất khác nhau cũng đang được thảo luận thông qua ủy ban làm việc, bao gồm yêu cầu tăng lương hàng năm của những cầu thủ mới được lựa chọn. Theo đó, ngoại binh đến từ hạn ngạch Châu Á nhận 100.000 USD (2,4 tỷ đồng) cho mùa đầu tiên, 120.000 USD (2,9 tỷ đồng) cho mùa thứ hai và 150.000 USD (3,6 tỷ đồng) cho mùa thứ ba. Nếu được thông qua, điều này sẽ tạo cú hích lớn cho các cầu thủ ngoại binh cạnh tranh tại xứ Kim chi.

Giải bóng chuyền VĐQG Hàn Quốc mùa giải năm nay chứng kiến sự tỏa sáng của nhiều ngoại binh Đông Nam Á ở nội dung nữ. Các ngôi sao như Megawati (Indonesia), Pornpun hay Wipawee (Thái Lan) từng bước xây dựng vị trí vững chắc trong đội hình các CLB tại Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, việc xuất ngoại của các nữ cầu thủ đang diễn ra cởi mở. Trần Thị Thanh Thúy, hay mới đây nhất là trường hợp của Hoàng Thị Kiều Trinh và Đoàn Thị Lâm Oanh được sang Thái Lan thi đấu cho thấy trình độ chuyên môn của bóng chuyền nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Cơ sở để thúc đẩy quá trình này đến từ thành tích tốt của đội tuyển quốc gia tại các giải đấu lớn trong khu vực. Các vận động viên thi đấu ấn tượng có thể lọt vào mắt xanh của nhà tuyển trạch từ các nền bóng chuyền phát triển. 

Bên cạnh đó, việc đầu tư đúng mức của các CLB chủ quản tạo điều kiện cho sự phát triển chuyên môn của cầu thủ trong tương lai. Binh chủng Thông tin và VTV Bình Điền Long An là hai đội bóng đang xây dựng chương trình liên kết với các đối tác nước ngoài, phục vụ quá trình thi đấu, tập huấn chuyên môn.

Nhìn vào thực tế, một số cầu thủ của bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng thi đấu tại giải VĐQG Hàn Quốc. Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất vẫn là nguồn lực, cũng như độ nhận diện của các vận động viên chưa cao, dẫn đến ít được chú ý từ các tuyển trạch viên.

Xem thêm