Vượt qua đối thủ sau loạt cầu bền 2 phút, Nguyễn Tiến Minh đi vào lịch sử cầu lông Việt Nam và thế giới

Công Thành Công Thành
Thứ ba, 09/01/2024 15:34 PM (GMT+7)
A A+

Nguyễn Tiến Minh đã chứng minh vì sao mình xứng đáng với danh xưng "Huyền thoại cầu lông Việt Nam" với màn trình diễn không thể thuyết phục hơn.

Cho đến nay, giải cầu lông vô địch thế giới (VĐTG) được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc năm 2013 vẫn là sự kiện vô cùng đáng nhớ của thể thao Việt Nam. Tại đây, huyền thoại làng cầu lông Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh đã làm nên những kì tích khó tin, in sâu trong lòng những người yêu thể thao nước nhà.

Tại giải đấu này, Tiến Minh được xếp hạng hạt giống số 7, thời điểm mà anh vẫn là một trong những tay vợt hàng đầu thế giới. Việc có thứ hạng hạt giống cao giúp tay vợt quê TPHCM tránh được những đối thủ mạnh, ít nhất cho đến vòng tứ kết.

Những lá thăm may rủi đã mang đến may mắn cho Tiến Minh khi anh không phải đụng độ sớm với tên tuổi hàng đầu của cầu lông Trung Quốc - Lin Dan ở những vòng đầu tiên. Ở giải cầu lông VĐTG 2013, Lin Dan không được xếp hạng hạt giống.

3 đối thủ ở 3 vòng đấu đầu tiên chưa thể làm khó được Nguyễn Tiến Minh. Ở vòng 1, Tiến Minh dễ dàng vượt qua tay vợt người New Zealand gốc Hoa, hiện đã rẽ hướng trở thành chuyên gia lĩnh vực blockchain và crypto - Joe Wu với tỉ số rất cách biệt 2-0 (21-8; 21-11).

Ở vòng 2, tay vợt sinh năm 1983 đánh bại người khổng lồ 1m98 đến từ Đức - Dieter Domke cũng chỉ sau 2 set đấu (24-22; 21-17).

Tiến Minh đối mặt với đôi chút khó khăn ở vòng 3 khi anh để thua Pablo Abian 15-21 ở set 1. Dẫu vậy, đại diện của chúng ta nhanh chóng xốc lại tinh thần để áp đảo đối thủ hoàn toàn ở 2 set sau đó lần lượt với các tỉ số 21-9 21-10 để có mặt ở vòng tứ kết.

Tại đây, Nguyễn Tiến Minh đã phải đụng độ với một trong những thử thách lớn nhất giải: Jan Jorgensen, hạt giống số 9 đến từ Đan Mạch.

Tiến Minh đã nhập cuộc vô cùng tuyệt vời khi liên tục có những pha cầu đầy chủ động khiến đối thủ không kịp trở tay. Tâm lí của Jorgensen có phần bị căng cứng trong set 1, anh không thể làm chủ được tình thế và chấp nhận để thua cách biệt 8-21.

Jorgensen đã chơi chắc tay hơn rất nhiều và liên tục giằng co điểm số với tay vợt của chúng ta. Ở thời điểm tỉ số đang là 17-17, tay vợt sinh năm 1987 có 1 mạch 4 điểm, đưa trận đấu sang set 3 quyết định.

Set đấu thứ 3 diễn ra vô cùng căng thẳng, cả hai tay vợt đều bộc lộ những phẩm chất tốt nhất của mình, đó chính là nền tảng thể lực sung mãn và sự bình tĩnh để kéo đối thủ vào những loạt cầu bền. 

Khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ diễn ra vào thời điểm Tiến Minh đang dẫn đối phương 20-18, đồng nghĩa với việc đang có 2 match-point. Cả hai tay vợt đã cống hiến cho các khán giả ở nhà thi đấu Thiên Hà một loạt cầu bền vô cùng mãn nhãn với tổng cộng 108 lần chạm vợt sau 2 phút.

Tình huống kết thúc pha cầu bền này cũng đầy tranh cãi khi Tiến Minh thực hiện cú đập cầu chéo sân sâu, đưa cầu gần sát vạch. Trọng tài đã xác định cầu ra ngoài, tỉ số lúc bấy giờ là 20-19 nghiêng về Tiến Minh.

Loạt cầu bền 108 chạm của Tiến Minh và Jorgensen là một kỉ lục của cầu lông thế giới hồi bấy giờ, được nhắc đến rất nhiều ngay ở thời điểm hiện tại khi Tiến Minh không còn duy trì đỉnh cao phong độ, còn Jorgensen đã giải nghệ cách đây 3 năm.

Trở lại với trận đấu, một pha bỏ cầu không thực sự cảm giác của Tiến Minh sau đó đã để Jorgensen cân bằng tỉ số 20-20. Ở trong tình thế khó khăn nhất, niềm tự hào của chúng ta vẫn bình tĩnh điều cầu rất khó, buộc đối phương phải di chuyển vất vả. 

Hai điểm liên tiếp sau đó giúp Tiến Minh giành thắng lợi 2-1 (21-8; 17-21; 22-20) trước Jan Jorgensen, đồng thời đi vào lịch sử cầu lông Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên lọt vào trận tranh huy chương giải cầu lông VĐTG. Thật đáng tiếc sau đó khi huyền thoại cầu lông nước nhà không thể vượt qua đại địch Lin Dan ở trận bán kết, ngậm ngùi cùng Du Peng Yu giành tấm HCĐ.

Thành tích lọt vào trận bán kết giải cầu lông VĐTG cùng kỉ lục cầu bền thế giới tại Trung Quốc năm xưa vẫn là mốc son chói lọi trong sự nghiệp của Tiến Minh nói riêng và cầu lông Việt Nam nói chung. Vượt qua những khó khăn về điều kiện tập luyện, thi đấu cũng như tài chính, tay vợt quê TPHCM đã làm rạng danh thể thao nước nhà bằng sự giản dị, bền bỉ và chuyên nghiệp của mình.

Thật xứng đáng với danh xưng "Huyền thoại cầu lông Việt Nam".

Xem thêm