(Goaldiemso.com) - Để có được hiện tại mà bao người mơ ước, nhiều cầu thủ đã phải trải qua quãng thời gian vô cùng gian khó.
Mamadou Sakho
Mẹ của Sakho qua đời khi anh mới 13 tuổi. Lúc này, tiền vệ Liverpool trở thành trụ cột của gia đình và có trách nhiệm kiếm tiền rất lớn. Anh từng khóc khi kể về quãng thời gian sống vô gia cư vài tuần ở Paris của mình. Sau đó, chỉ có nỗ lực tập luyện và bóng đá mới cứu anh khỏi cuộc sống đen tối.
Edin Dzeko
Dzeko từng lớn lên trong chiến tranh. Anh tâm sự: "Tôi mới lên sáu khi chiến tranh nổ ra. Thật khủng khiếp. Căn nhà của tôi bị bom đạn đánh sập nên chúng tôi phải chuyển sống với ông bà. Cả gia đình 15 người phải chung sống trong một căn hộ 35 mét vuông. Cuộc sống của chúng tôi rất khổ cực, cứ mỗi ngày lại có tin vê những người thân quen thiệt mạng trong chiến tranh, khiến mọi người vô cùng căng thẳng.”
Jakub Blaszczykowski
Với tiền vệ của Dortmund và Ba Lan, giây phút ám ảnh anh đến cả cuộc đời là lúc ba anh giết mẹ khi Blaszczykowski còn là một đứa trẻ.
Mario Balotelli
Khi Mario 3 tuổi, anh trải qua một trận ốm nặng, gia đình đông anh em lại còn nghèo khó, không có tiền chữa trị cho con nên đã quyết định cho Mario đến ở nhà gia đình giàu có Balotelli - người đã trả hết tiền viện phí và trang trải tiền chữa bệnh cho "đứa con hư nước Ý". Cuộc đời Mario bắt đầu thay đổi từ đây. Thế nhưng càng lớn lên, bố mẹ đẻ của tiền đạo Man City dần thưa thớt đến thăm con và Mario cảm thấy mình hoàn toàn bị bỏ rơi, lúc nào trong đầu cũng hiện lên suy nghĩ: "Tại sao lại là mình? Tại sao bố mẹ lại cho mình đi mà không phải chị Abigail hay em trai Enoch? Chỉ cho đến khi Mario Balotelli trở thành người nổi tiếng, ông bà Barwuah mới bắt đầu liên lạc trở lại với con trai mình, điều đó làm cho Mario cảm thấy tức tối. Dòng chữ "Why always me?" (Tại sao luôn là tôi?) mà Balotelli từng vén lên khi ăn mừng bàn thắng phần nào chứa đựng thông điệp mà anh muốn gửi tới bố mẹ đẻ của mình.
Carlos Tevez
Carlos Tevez lớn lên ở Fuerte Apache, một vùng ngoại ô nghèo khó, bạo lực và đầy những băng nhóm tội phạm của thủ đô Buenos Aires, Argentina. Đây được coi là một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới, thậm chí cảnh sát Buenos Aires cũng tránh xa vùng này trừ các trường hợp bất đắc dĩ. Ở đây, buôn bán ma túy gần như công khai. Tevez cho hay, suýt chút nữa anh cũng đã đi buôn hàng trắng nhưng may mắn đã thoát ra được.
Rio Mavuba
Rio Mavula được biết khi anh được sinh ra ngay trên biển trong một cuộc nội chiến ở Angola. Năm hai tuổi, mẹ anh qua đời. Mười năm sau, Mavuba trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh không được công nhận công dân nước Pháp cho đến khi 20 tuổi. Thế nhưng, những nỗ lực sau đó của Mavuba giúp anh thành công trong sự nghiệp của mình. Tiền vệ này đã có chín lần ra sân trong màu áo les Bleus.
Franck Ribery
Năm lên hai tuổi, Ribery và gia đình gặp phải tai nạn xe hơi kinh hoàng. Vụ tai nạn này không cướp đi sinh mạng nhưng để lại trên mặt tuyển thủ Pháp này những vết sẹo không bao giờ phai. Đã vậy, cuộc sống nghèo túng khiến tuổi thơ của Ribery phải trải qua trên những công trường nắng gắt mưa dầm. Thế nhưng, tất cả khó khăn đó không khiến ước mơ trở thành cầu thủ của anh chùn bước.
Tim Howard
Cha mẹ ly dị năm Tim Howard mới ba tuổi. Sáu tuổi, anh bị hội chứng Tourette. Biểu hiện của triệu chứng này là nháy mắt, ho, hắng giọng, hít mạnh và méo mặt. Tùy độ nặng nhẹ của bệnh mà người mắc triệu chứng này có những biểu hiện mạnh yếu với nó. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, Howard tìm đến với trái bóng tròn và sau này thành danh ở vị trí thủ môn.