Quảng cáo

Chấn thương dây chằng tăng đột biến từ đầu mùa giải 2023/24, lỗi do ai?

Minh Hùng Minh Hùng
Thứ hai, 27/11/2023 14:18 PM (GMT+7)
A A+

Chấn thương là cơn ác mộng với các cầu thủ và đội bóng, điều gì đang khiến vấn đề này càng ngày càng diễn ra với tần suất nhiều và nghiêm trọng hơn?

“Cầu thủ ngày nay chỉ là con rối của UEFA và FIFA với những giải đấu mới liên tục được tạo ra. Những giải đấu này không mang lại lợi ích gì cho các cầu thủ ngoài việc vắt kiệt cả thể chất cũng như tinh thần của họ. Đó chỉ là công cụ để tạo ra càng nhiều tiền càng tốt cho UEFA và FIFA”. Trên đây là những chỉ trích của Toni Kroos nhắm đến hai tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới từ cuối năm 2020.

Đúng 3 năm sau, chuyện gì đang diễn ra?

Mùa giải 2023/24 chứng kiến số ca chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) tăng đột biến từ cầu thủ của các CLB hàng đầu. Có thể kể đến đến như Jurrien Timber (Arsenal), Wesley Fofana (Chelsea), Breel Embolo (AS Monaco), Thibaut Courtois và Eder Militao (Real Madrid)... Chỉ tính riêng tại hai hạng đấu cao nhất của bóng đá Tây Ban Nha, đã ghi nhận tới 18 cầu thủ chấn thương dây chằng khi mà mùa giải mới trôi qua được 4 tháng.

Và Gavi chính là nạn nhân mới nhất.

Tiền vệ 19 tuổi ôm đầu gối và nhăn mặt đau đớn sau một pha bóng tưởng chừng như rất bình thường trong trận Tây Ban Nha thắng Georgia 3-1 ở vòng loại EURO 2024 hôm 19/11. Các bác sĩ kết luận, Gavi bị rách dây chằng chéo trước đầu gối phải. Ngày 28/11 tới đây, cầu thủ thuộc biên chế Barcelona sẽ lên bàn mổ. Thời gian hồi phục dự kiến từ 7-9 tháng, bao gồm thời gian tập luyện để Gavi lấy lại cảm giác bóng cũng như phong độ vốn có. Như vậy, mùa giải 2023/24 và cả kỳ EURO 2024 với Gavi xem như đã kết thúc.

Vậy, nguyên nhân là do đâu?

Đúng như những gì Kroos đã nói từ cách đây 3 năm, việc các Liên đoàn Bóng đá, mà cụ thể là UEFA hay FIFA đã liên tục tạo ra các giải đấu mới, thay đổi thể thức và tăng số đội tham dự các giải đấu cũ khiến các cầu thủ phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc hơn.

Ở cấp CLB, kể từ mùa giải 2024/25, UEFA sẽ thay đổi thể thức và tăng số đội tham dự ở 3 giải đấu là Champions League, Europa League và Conference League. Như tại Champions League, số đội sẽ tăng từ 32 lên 36 và thi đấu chung một bảng duy nhất theo ‘thể thức Thụy Sĩ’. Thể thức mới này sẽ làm tăng số trận vòng bảng từ 6 lên 8, và tối đa 15-17 trận nếu vào chung kết thay vì 13 như trước đây.

Còn ở cấp độ ĐTQG, từ năm 2016, EURO đã tăng số đội tham dự từ 16 lên 24. 2 năm sau đó, Nations League chính thức ra mắt. Về lý thuyết, các đội tuyển quốc gia không phải đá nhiều trận hơn (hơn 10 trận mỗi năm). Tuy nhiên, các cầu thủ sẽ phải đá nhiều trận với tính chất căng thẳng hơn. Chưa dừng lại ở đó, World Cup 2026 cũng sẽ tăng số đội tham dự lên 48, thay vì 32 như từ trước đến nay.   Tính sơ bộ, mỗi cầu thủ có thể phải thi đấu tối đa từ 65-75 trận mỗi mùa cho cả CLB và ĐTQG xuyên suốt khoảng 10 tháng. Như vậy, họ sẽ phải ra sân với mật độ trung bình 4 ngày/trận. Tình trạng này diễn ra liên tục trong nhiều năm khiến cho những chấn thương nặng xuất hiện nhiều hơn là điều không thể tránh khỏi.

Chấn thương dây chằng là một trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong giới thể thao, đặc biệt là các cầu thủ bóng đá. Dạng chấn thương này không những mất rất nhiều thời gian để hồi phục, mà còn tác động rất nhiều đến tâm lý khiến các cầu thủ khó có thể trở lại phong độ đỉnh cao như trước.

Dây chằng không phải là mối đe dọa duy nhất cho các cầu thủ ngày nay. Còn đó chấn thương gân khoeo đã khiến Kevin De Bruyne biết mất khỏi đội hình Manchester City kể từ đầu mùa; chấn thương cơ khiến Vinicius Jr. phải nghỉ thi đấu khoảng 2,5 tháng và bỏ lỡ ít nhất 13 trận đấu cho Real Madrid; hay chấn thương sụn chêm khiến Arda Guler vẫn chưa thể có màn ra mắt Los Blancos…

Pedri - một tài năng sáng giá khác của Barcelona cũng đã và đang phải chịu đựng những hệ lụy do bị vắt kiệt thể chất liên tục trong suốt cả năm. Trong mùa giải 2020/21, tiền vệ sinh năm 2002 đã thi đấu tổng cộng 73 trận đấu cho Barcelona, đội tuyển Tây Ban Nha tại EURO 2020 và U23 Tây Ban Nha tại Olympic Tokyo. Kể từ mùa giải sau đó, Pedri dần trở nên mẫn cảm và liên tục phải nghỉ thi đấu vì chấn thương. Gần đây nhất, Pedri gặp phải một chấn thương gân khoeo hồi tháng 8 và mới chỉ vừa trở lại đầu tháng này.

Các Liên đoàn muốn tăng số đội, hay thay đổi thể thức nhằm mục đích gì?

Từ tháng 2/2016, khi vừa đắc cử Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino đã ấp ủ việc thay đổi thể thức World Cup và tăng số đội lên thành 48. Ông chia sẻ: “Tôi tin việc mở rộng số đội dự World Cup sẽ thành công dựa trên kinh nghiệm chúng ta đã có ở châu Âu cùng với EURO 2016”.

“Hãy nhìn vào vòng loại, nơi có một số đội bóng chưa bao giờ có thể vượt qua được, nơi lại có những đội rất mạnh nhưng cũng không thể lọt vào vòng chung kết. Vì vậy, tăng số đội tạo ra thêm động lực cho các đội ở vòng loại, thúc đẩy họ thi đấu quyết tâm hơn. Do đó, để phát triển bóng đá, việc tăng số đội tham dự cần được áp dụng vào giải đấu lớn nhất: World Cup”.

Ông Infantino muốn phát triển bóng đá trên toàn cầu, hướng tới các thị trường kém phát triển hơn như châu Phi và châu Á. Để thúc đẩy một nền bóng đá, không có gì tốt hơn là một vé tham dự World Cup.

Nhưng chỉ có vậy thôi sao?

Theo đó, việc tăng số đội cũng đồng thời làm tăng tổng số trận từ 64 lên thành 104. Khi đó, lợi nhuận FIFA thu về từ bản quyền truyền hình cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là sự thật trần trụi mà tất cả chúng ta đều thấy được.

Những người đứng đầu các tổ chức bóng đá hay khán giả đều muốn được thấy chất lượng môn thể thao vua ngày càng đi lên với những trận cầu mãn nhãn. Nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra nếu các cầu thủ luôn phải thi đấu với đôi chân mệt nhoài và nguy cơ lụi tàn sự nghiệp vì những chấn thương khủng khiếp luôn hiển hiện.

Đã đến lúc các CLB chủ quản, những Liên đoàn các quốc gia, hay Hiệp hiệp hội đại diện phải làm một điều gì đó để bảo vệ quyền lợi của các cầu thủ thay vì chỉ gửi đi những công văn đề nghị hoặc những lời nói suông trên truyền hình! 

Xem thêm