Quảng cáo

Nước làm mát ô tô loại nào tốt? Cách tự thay tại nhà

Thùy Linh Thùy Linh
Thứ bảy, 25/03/2023 11:14 AM (GMT+7)
A A+

Nước làm mát ô tô đóng vai trò quan trọng, trong việc duy trì nhiệt độ ổn định cho động cơ xe lúc hoạt động. Nếu không chú ý kiểm tra và thay nước làm mát đúng định kỳ, sẽ dễ gây cháy nổ và giảm tuổi thọ động cơ, Vậy, nước làm mát ô tô loại nào tốt và bao lâu thì cần thay nước làm mát một lần? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Công dụng của nước làm mát ô tô

Nước làm mát ô tô có công dụng là làm mát, giải nhiệt động cơ ô tô, giúp duy trì động cơ ở nhiệt độ làm việc lý tưởng nhất.

Khi động cơ hoạt động, hỗn hợp không khí cùng nhiên liệu được đốt cháy bên trong trong xi lanh động cơ, sản sinh ra nhiệt lượng rất lớn. Một phần nhiệt được biến đổi thành công, phần còn lại sẽ tỏa ra ngoài. Nêu không có dung dịch làm mát, nhiệt độ động cơ tăng vượt ngưỡng, sẽ làm giảm tác dụng bôi trơn của dầu nhớt, khiến lực ma sát tăng cao, làm cho các chi tiết máy nhanh mòn.

Không những thế, nếu nhiệt độ động cơ tăng quá cao, có thể dẫn đến nhiệt độ dầu nhớt cũng tăng theo, dẫn đến nguy cơ tự cháy nổ động cơ. Đây là lý do tại sao cần có một hệ thống làm mát cho động cơ ô tô, duy trì nhiệt độ làm việc của động cơ ở mức thích hợp.

Về nguyên lý hoạt động, nước làm mát ô tô sẽ được bơm chảy quanh động cơ qua hệ thống mạch nước nằm trong động cơ. Nó hấp thụ nhiệt từ động cơ, từ đó giảm nhiệt cho động cơ. Và sau một chu trình làm mát, nước làm mát sẽ di chuyển vào trong két làm mát, để được làm mát lại bằng không khí, trước khi bắt đầu một chu trình mới.

Nước làm mát ô tô có mấy loại?

Chúng ta có nhiều cách để phân loại nước làm mát trên thị trường. Nếu dựa vào gốc hóa học thì chúng ta có 2 loại chính là:

  • Chất làm mát gốc ethylene glycol: Loại chất làm mát này được sử dụng ở hầu hết các loại xe và thường có màu sắc nhận diện là xanh lá cây, cam và vàng, phù hợp để sử dụng ở hầu hết các vùng khí hậu.
  • Chất làm mát gốc propylene glycol: Loại chất làm mát này ít độc hại hơn ethylene glycol, thường có màu xanh lam, và thường được sử dụng trong các phương tiện thân thiện với môi trường.

Còn nếu dựa vào công nghệ mà các sản phẩm làm mát ô tô áp dụng, chúng ta có thể chia làm 3 loại:

  • Công nghệ axit vô cơ (IAT): Chủ yếu được sử dụng trong các phương tiện cũ, thường có màu xanh lá cây tươi sáng và phải được thay thế sau mỗi 30.000 km.
  • Công nghệ axit hữu cơ (OAT): Thường có màu đỏ hoặc tím với thời gian sử dụng khá lâu, có thể lên đến 150.000 km. Và thông thường chúng không chứa silicat hay phốt phát để bảo vệ cho động cơ.
  • Công nghệ axit hữu cơ lai (HOAT): Thường có màu cam hoặc vàng và cũng có thời gian sử dụng dài tương đương với các loại sử dụng công nghệ OAT.

Thông thường, mỗi hãng xe sẽ có những quy định riêng về việc bổ sung và thay thế nước làm mát ô tô định kỳ. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý, để sản phẩm tránh xa tầm tay trẻ em, vì đây là một hợp chất hóa học rất nguy hiểm.

Bao lâu nên thay nước làm mát ô tô 1 lần?

Theo như khuyến cáo của các nhà sản xuất ô tô, chủ xe nên thay nước làm mát và vệ sinh két làm mát ô tô sau mỗi 50.000 - 60.000 km vận hành.

Trong trường hợp xe di chuyển với tần suất cao, hay tải nặng và chạy trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thì nên thay nước làm mát sớm hơn, sau mỗi khoảng từ 30.000 - 40.000 km vận hành.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, bạn cũng nên có thói quen kiểm tra nước mát thường xuyên, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, để kịp thời phát hiện những trục trặc nếu có.

Top 5 nước làm mát ô tô tốt nhất

Hiện nay trên thị trường có vô vàn các thương hiệu nước làm mát khác nhau, trong đó phải kể đến 5 loại được đánh giá cao và sử dụng phổ biến nhất dưới đây.

1. Nước làm mát Prestone

Sản phẩm đến từ thương hiệu Prestone - một hãng chuyên sản xuất các loại hóa chất và phụ gia ô tô đến từ Mỹ. Thường được nhiều các hãng xe lớn sử dụng, ưu điểm là có tuổi thọ dài, dùng được ngay chứ không cần pha với nước.

2. Nước làm mát Focar

Focar là một hãng chuyên các hóa phẩm chăm sóc ô tô đến từ Việt Nam, nhưng được sử dụng công nghệ chuyển giao từ Đức. Focar sản xuất rất nhiều các dòng nước làm mát khác nhau, từ đậm đặc cho đến đã pha loãng.

3. Nước làm mát ô tô Bluechem

Là một sản phẩm thuộc thương hiệu Bluechem Group đến từ Đức. Sản phẩm có tuổi thọ lên đến 5 năm hoặc 80.000 km. Bluechem không hề chứa nitrides, amines, phosphates và silicat, rất thân thiện với những động cơ được làm từ gang, nhôm hay hợp kim.

4. Nước làm mát ô tô Wurth

Lại là một thương hiệu chuyên sản xuất các sản phẩm bảo vệ ô tô, chăm sóc động cơ đến từ Đức. Nước làm mát ô tô là một thế mạnh của Wurth, với gốc Ethylene Glycol đậm đặc, tỷ lệ lên đến 68%, chịu được độ sôi lên đến 108 độ C, và độ lạnh -35 độ C.

Sản phẩm có thể dùng trực tiếp mà không cần phải pha loãng với nước, đặc biệt thân thiện với chất liệu nhựa và cao su.

5. Nước làm mát Liqui Moly

Liqui Moly là một hãng chuyên về dầu, chất bôi trơn và phụ gia ô tô đến từ Đức. Ra đời từ năm 1957, hãng đã sản xuất ra hơn 4000 sản phẩm phụ gia, dầu nhớt và dung dịch bảo dưỡng xe.

Liqui Moly có nhiều các dòng nước làm mát khác nhau, đa phần là sử dụng công nghệ OAT tiên tiến, giúp giảm nhiệt , chống rỉ sét và ăn mòn hiệu quả. Thành phần trong nước làm mát Liqui Moly không hề chứa nitrides, amines, phosphates hay silicat, và đã được pha chế sẵn để sử dụng mà không cần pha thêm nước lọc.

Cách thay nước làm mát ô tô tại nhà

Nước làm mát ô tô là một hợp chất hóa học gây ô nhiễm môi trường, vì vậy chúng ta cần phải có thiết bị đựng nước làm mát ô tô đã cũ sau khi xả. Và cần phải có đơn vị thu gom, xử lý trước khi đổ ra ngoài môi trường. Nếu không có các trang bị đầy đủ, tốt hơn hết, bạn nên thay nước làm mát tại các gara ô tô.

Còn nếu đã có sẵn các trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ, bạn có thể tự thay nước làm mát ô tô tại nhà theo các bước dưới đây.

Dụng cụ cần chuẩn bị:

  • Nước làm mát
  • Nước RO và dung dịch vệ sinh hệ thống làm mát
  • Chậu để đựng nước làm mát cũ
  • Phễu
  • Đèn pin
  • Tua vít
  • Găng tay

Sau đó thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Bước 1: Xả sạch nước làm mát cũ

Chú ý, thực hiện khi khoang máy đã nguội hẳn, cần đeo găng tay để kiểm tra nhiệt độ của hệ thống làm mát trước khi tiến hành. Để chậu hứng nước làm mát cũ bên dưới hầm xe, sau đó mở van xả hết két nước làm mát cũ, rồi đóng van lại.

  • Bước 2: Vệ sinh hệ thống làm mát

Đổ nước RO vào, sau đó cho tiếp dung dịch vệ sinh hệ thống làm mát chuyên dụng vào két nước và đậy chặt nắp. Khởi động cho máy chạy khoảng 10 - 15 phút rồi tắt máy và đợi máy nguội hẳn. Sau đó, mở van xả bên dưới để xả sạch nước vệ sinh hệ thống ra ngoài rồi khóa chặt van lại.

  • Bước 3: Thay nước làm mát mới

Mở nắp bình nước làm mát, đổ nước làm mát mới vào, để mở nắp bình và cho nổ máy xe đến khi thấy nước làm mát rút xuống dần và xuất hiện bóng khí trên bề mặt.

Đợi cho khí đọng thoát hết ra thì dừng, sau đó châm tiếp nước làm mát vào đến mức đầy, rồi khóa chặt nắp bình. Chú ý, trong quá trình nổ máy, cần theo dõi kim đồng hồ nhiệt, tránh xe bị nóng máy.

*Lưu ý: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì trước khi sử dụng, xác định xem đây là loại đã pha loãng hay đậm đặc. Nếu là loại đã pha loãng thì có thể sử dụng ngay, nếu là loại đậm đặc thì cần pha loãng theo tỉ lệ mà nhà sản xuất khuyến cáo (hiện chưa có tỷ lệ pha chung).

Một số nguyên nhân khiến nước làm mát bị hao nhanh

Nước làm mát ô tô được luân chuyển trong một chu trình khép kín nên khả năng hao hụt là rất ít. Thông thường phải sau khoảng từ 2 - 3 năm thì nước làm mát mới có dấu hiệu hao hụt một phần nhỏ.

Do đó, nếu thấy nước làm mát của xe bị hao nhanh bất thường, thì khả năng là hệ thống làm mát đang gặp phải một trong các vấn đề dưới đây.

1. Nước làm mát bị rò ra ngoài

Nước làm mát bị hao nhanh, nguyên nhân phổ biến là do xuất hiện sự rò rỉ ở hệ thống đường ống, gioăng phớt, các khúc nối xiết, hay nút bịt lỗ trên động cơ bị mòn,... Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể là do két nước bị thủng hoặc nắp két nước bị hở, khiến nước làm mát bị chảy ra ngoài, hao nhanh bất thường.

2. Nước làm mát bị lọt vào buồng đốt

Đây là một lỗi nghiêm trọng, cần được khắc phục ngay. Nguyên nhân chủ yếu thường là do gioăng quy lát, thân máy bị mòn hỏng hoặc xi lanh động cơ nứt, làm rò rỉ nước vào buồng đốt.

Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, nó có thể khiến động cơ vận hành không ổn định, xe khó nổ máy, xe rung giật hay thậm chí là bị chết máy giữa đường.

Trên đây là toàn bộ thông tin về nước làm mát ô tô, hy vọng thông tin là hữu ích với bạn.

Xem thêm