Quảng cáo

Thiếu hạ tầng trạm sạc riêng, 'ông trùm' xe điện BYD làm cách nào để thu hút khách hàng Việt?

Trang Trang
Thứ sáu, 21/06/2024 06:40 AM (GMT+7)
A A+

Hãng xe Trung Quốc BYD vừa tiến vào thị trường Việt với bộ ba xe điện nhưng không có kế hoạch phát triển hệ thống trạm sạc độc lập.

BYD gia nhập thị trường Việt bằng bộ ba xe điện

Sau nhiều đồn đoán và thông tin hé lộ, BYD đã chính thức "chào sân" thị trường Việt Nam bằng chương trình lái thử kéo dài từ ngày 15 - 19/06. Qua đó giúp giới báo chí, truyền thông và người tiêu dùng được trải nghiệm dải sản phẩm thuần điện của hãng.

BYD giới thiệu ba mẫu xe điện đầu tiên tại Việt Nam là Dolphin, Atto 3 và Seal, thuộc ba phân khúc khác nhau.

Mẫu Dolphin có giá phải chăng nhất và được định vị là xe hatchback 5 cửa cỡ B, cạnh tranh với các mẫu xe xăng như Toyota Yaris và Suzuki Swift. 

Trong khi đó, Atto 3 thuộc phân khúc SUV cỡ B+ và là mẫu xe chủ lực của BYD tại nhiều thị trường quốc tế, bao gồm cả Đông Nam Á. Đây là một phân khúc được ưa chuộng tại Việt Nam với nhiều lựa chọn xe xăng và điện khác nhau như Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta, Kia Seltos và VinFast VF 6.

Cuối cùng, Seal là mẫu sedan hạng D, một phân khúc mà hiện tại chưa có mẫu xe thuần điện nào từ các thương hiệu phổ thông tại Việt Nam.

Dù Dolphin và Seal không phải là các phân khúc phổ biến tại Việt Nam, nhưng ông Võ Minh Lực - Giám đốc điều hành BYD Việt Nam - tin rằng kinh nghiệm thành công của các mẫu xe này tại các thị trường quốc tế sẽ giúp chúng tạo dấu ấn tại Việt Nam.

Ông Lực nhấn mạnh rằng BYD chọn cách tiếp cận thận trọng và chắc chắn tại thị trường Việt Nam, thay vì đưa vào các sản phẩm mới mục đích thăm dò. 

Hãng mong muốn cho người tiêu dùng thấy được sự khác biệt của xe BYD về thiết kế, tính năng và công nghệ, nhằm tạo dựng niềm tin và sự thuyết phục đối với khách hàng Việt.

Thách thức của BYD khi thiếu trạm sạc tại Việt Nam

BYD đã giới thiệu ba mẫu xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục mang các mẫu Han, Tang và Song đến thị trường này vào cuối năm nay.

Trong khi các phiên bản hybrid cắm sạc (PHEV) của các mẫu này đã có mặt ở thị trường quốc tế, chỉ các phiên bản xe điện chạy bằng pin (BEV) mới được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo ông Võ Minh Lực - Giám đốc điều hành BYD Việt Nam, công ty không có kế hoạch phát triển hạ tầng trạm sạc riêng tại Việt Nam. Đây là chiến lược lâu dài của BYD trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Thay vào đó, BYD đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng như tặng bộ sạc 7kW và cung cấp dịch vụ lắp đặt miễn phí cho những người có nhà riêng và chỗ để xe.

Ông Lực cũng chia sẻ: "Khi sạc qua đêm, các xe của BYD có tầm vận hành dao động từ 400 - 500km. Với quãng đường di chuyển hàng ngày khoảng 100 km, xe chỉ cần sạc từ 4 - 5 ngày một lần. 

Đối với khách hàng có nhu cầu di chuyển xa hơn hoặc đi liên tỉnh, họ có thể sạc xe tại hệ thống đại lý của BYD. Hãng hiện có 20 đại lý đang hoạt động và 20 nhà đầu tư khác đang trong quá trình đàm phán.Tất cả các đại lý này đều được trang bị trạm sạc".

Ngoài ra, BYD đang hợp tác với các đối tác cung cấp trạm sạc bên thứ ba để mở rộng hạ tầng sạc và cung cấp mức giá sạc ưu đãi cho khách hàng. Dù đã có sự tham gia của nhiều đơn vị trong việc phát triển trạm sạc bên thứ ba, tốc độ và quy mô mở rộng của hạ tầng sạc vẫn còn hạn chế.

Giới chuyên môn nhận định rằng, sự chậm trễ này xuất phát từ việc doanh nghiệp trạm sạc đang chờ đợi thị trường ô tô điện phát triển hơn nữa và chính sách cũng như quy định từ phía chính phủ được làm rõ, trong khi các hãng xe cũng đang đợi sự phát triển của hạ tầng trạm sạc để đẩy nhanh tiến độ ra mắt sản phẩm.

Xem thêm