Phát sóng cùng lúc VCS, LPL và LCK: dũng cảm cạnh tranh hay né tránh?

Nguyễn Anh Đạt Nguyễn Anh Đạt
Thứ năm, 04/08/2022 10:23 AM (GMT+7)
A A+

Câu chuyện phát sóng, chiếm sóng nhau của các giải đấu VCS, LPL và LCK luôn là chủ để bàn tán của cộng đồng LMHT. Câu hỏi đặt ra là nên dũng cảm cạnh tranh hay né tránh?

Thực trạng phát sóng VCS, LPL và LCK tiếng Việt ở Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam có bản quyền phát sóng và bình luận tiếng Việt với hai giải đấu LPL (Trung Quốc) và LCK (Hàn Quốc), câu chuyện phát sóng trùng giờ, chiếm sóng, né sóng giữa VCS của Việt Nam và LPL, LCK đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong cộng đồng fan Liên Minh Huyền Thoại.

Hiện tại, theo quy định của Riot Games, để đảm bảo quyền lợi của quốc gia sở tại (tức là Việt Nam), các giải đấu nước ngoài như LPLLCK sẽ không được phát sóng khi các trận đấu VCS đang diễn ra. LPL Việt Nam sẽ không phát sóng vào những ngày có VCS, trong khi LCK sẽ phát lại các trận đấu vào lúc 23h cùng ngày.

Bình luận về quy định này, nhiều người tỏ ra đồng tình vì VCS là giải đấu của Việt Nam nên phải được ưu tiên, nếu như phát LPL và LCK trùng giờ sẽ làm ảnh hưởng đến view của VCS, từ đó không thu hút được các nguồn tài trợ, dẫn tới VCS sẽ bị hụt nguồn lực để phát triển trong tương lai gần.

Một số khác thì cho rằng VCS không xứng đáng chiếm sóng của LPL và LCK vì chất lượng chuyên môn của 2 giải đấu Trung Quốc và Hàn Quốc rất cao, có nhiều cuộc đối đầu đỉnh cao hơn là những trận đấu một chiều và quá nặng tính giải trí của VCS.

Theo quan điểm của tôi, bên nào cũng có cái lý của mình. Tuy nhiên, quy định hạn chế phát sóng của Riot Games có phần hơi cực đoan, về lâu về dài không có lợi cho sự phát triển. Các giải đấu VCS, LPL và LCK cần phải được phát sóng đúng giờ để đảm bảo quyền lợi của người xem.

Kể cả phát sóng cùng giờ LPL và LCK, lượng view của VCS cũng không bị ảnh hưởng nhiều

VCS là giải đấu Liên Minh Huyền Thoại cấp cao nhất Việt Nam. So với LCK và LPL, VCS không nặng tính chuyên môn bằng, tuy nhiên lại có đặc sản giao tranh liên tục, tốc độ cao, luôn tiềm tàng khả năng lật kèo, gạt giò...

Thể thao là một ngành giải trí và thể thao điện tử càng không nằm ngoài phạm trù đó. Xét về mặt này, VCS luôn đảm bảo vai trò của mình. Xem VCS luôn có cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng, không quá căng não (đương nhiên nó chỉ đúng nếu bạn là một người xem trung lập).

Theo BLV Hoàng Luân, vào thời điểm VETV còn bình luận LPL và LCK, các giải đấu này cũng đều được phát cùng giờ với VCS nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lượng view của VCS. Lý do là vì tệp người xem của 3 giải đấu rất khác nhau.

Người xem LCK thích chuyên môn cao, thích xem những tình huống macro hay và hầu hết là fan T1. Người xem LPL chủ yếu chỉ xem SofM và một số trận đỉnh cao. Tệp fan VCS thì đa dạng hơn nhiều, ngoại trừ lượng fan riêng cực lớn của các đội tuyển, VCS còn thu hút nhờ bản sắc giao tranh và tấn công mãnh liệt.

Đường nhiên, view của VCS sẽ bị ảnh hưởng nếu phát cùng giờ LCK và LPL nhưng không quá nhiều. Chủ yếu chỉ đến vào những hôm có Weibo Gaming và T1 đánh mà thôi. Các trận đấu GAM vs SE chắc chắn sẽ luôn có lượng peak view 120.000 - 150.000 bất kể LPL và LCK có phát sóng cùng giờ hay không.

Cũng giống như VCS, các giải LCK và LPL cũng có những ngày thi đấu mà toàn các đội nhóm dưới đấu với nhau, chất lượng không quá cao. Do đó, không thể quy chụp LPL và LCK luôn hấp dẫn hơn VCS ở mọi thời điểm.

Phát sóng cùng giờ LPL và LCK, VCS sẽ được hưởng lợi

LCK thi đấu từ 15h, LPL từ 16h trong khi VCS phải tới 17h mới bắt đầu thi đấu. Điều đó có nghĩa, khi các trận đấu LCK và LPL kết thúc thì VCS mới chỉ bắt đầu bước vào các giai đoạn kịch tính nhất trong ngày thi đấu (trong trường hợp các trận đinh của VCS được xếp đánh vào trận 2 trong ngày).

Vậy sau khi xem xong LPL và LCK, khán giả sẽ làm gì? Một phần đông sẽ tiếp tục kéo sang VCS xem tiếp vì đang có mạch cảm xúc xem giải đấu. Điều này chỉ có lợi chứ không có hại gì cho VCS cả.

Nên dũng cảm phát sóng cùng giờ để tăng khả năng cạnh tranh

Không có cạnh tranh thì sẽ không có phát triển, không phát triển thì sẽ tụt hậu. Riot Games cần ý thức được rằng VCS có nét đặc sắc riêng và đội ngũ làm giải cần phải liên tục cải thiện khâu tổ chức và sản xuất nội dung để giữ chân khán giả.

Việc cấm sóng LPL và LCK hoàn toàn không làm khán giả chuyển sang xem VCS. BLV Hoàng Luân lấy ví dụ, giải đấu LCS của Bắc Mỹ, phát sóng một mình một giờ nhưng cũng chẳng có ai xem. Đơn giản là vì chất lượng giải đấu đang xuống cấp.

Tất cả những lý do trên cho thấy rằng, việc phát sóng cùng giờ LCK và LPL không làm ảnh hưởng quá nhiều đến view của VCS, thậm chí VCS có thể được hưởng lợi.

Phát sóng VCS LPL và LCK
Xem thêm