Quảng cáo

Các hãng xe điện Trung Quốc đứng trước thách thức mới sau một năm 2023 ‘đại thắng’

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ năm, 04/01/2024 15:31 PM (GMT+7)
A A+

Bất chấp mức doanh thu kỷ lục được ghi nhận vào năm 2023, các nhà sản xuất ô tô điện đến từ Trung Quốc vẫn đối mặt nhiều thách thức, bao gồm cuộc chiến giá cả cùng sự cạnh tranh ngày một cao.

Ô tô điện Trung Quốc đối mặt thách thức mới

Theo tờ South China Morning Post, sự giảm tốc trong tăng trưởng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt và cuộc chiến giá cả sẽ tạo áp lực lớn lên hơn 200 nhà sản xuất xe điện Trung Quốc trong năm 2024, và một số hãng không trụ lại được sẽ bị đào thải.

Hầu hết các công ty sẽ phải cố gắng hạn chế các khoản thua lỗ để tránh nguy cơ thiếu vốn, điều này đến từ những khó khăn trong việc huy động vốn, theo các nhà phân tích.

"Dù có sự cổ vũ đáng kể đối với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, các nhà đầu tư đang có một tư duy thận trọng đối với triển vọng kinh doanh của từng công ty do sự cạnh tranh đang ngày càng leo thang tại thị trường tỷ dân", Cao Hua, một đối tác tại quỹ tư nhân Unity Asset Management, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng ô tô, cho biết. 

"Năm 2024 sẽ là một thời điểm quan trọng khi một số nhà sản xuất ô tô điện nhiều khả năng bị loại bỏ do hoạt động kém hiệu quả."

Theo một báo cáo của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings vào tháng 11, dự kiến doanh số bán xe điện tại Trung Quốc năm 2024 sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 30% được dự báo vào năm 2023.

Cuộc chiến giá cả tiếp tục tăng nhiệt

Trung Quốc hiện đang là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, với doanh số bán xe điện chiếm khoảng 60% doanh số toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có một số ít thương hiệu như BYD và Li Auto, đối thủ trực tiếp của Tesla tại Trung Quốc đang có lợi nhuận.

Việc ra mắt xe đến từ các đối thủ mới như nhà cung cấp điện thoại di động Xiaomi và tập đoàn tìm kiếm Baidu cũng đe dọa đến các nhà sản xuất hiện có, khi mà các dòng xe thông minh, giàu công nghệ của họ thu hút sự quan tâm của khách hàng trẻ tuổi.

Thực tế, cuộc chiến giá cả tại Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, với các nhà sản xuất hàng đầu như BYD và Xpeng đang giảm giá để thu hút người mua. Đầu tháng trước, BYD đã giảm giá xe điện cao cấp Han của mình lên tới 20.000 nhân dân tệ (tương đương 68 triệu đồng) để cố gắng đạt mục tiêu doanh số hàng năm. 

Xpeng cũng tiếp tục giảm giá dòng SUV G6 bán chạy nhất của mình ở mức 10.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 5% giá trị xe.

"Việc một công ty khởi nghiệp theo đuổi sự hoàn hảo và lý tưởng là không đúng", William Li, người sáng lập và CEO của Nio, một đối thủ của Tesla tại Trung Quốc, phát biểu trong cuộc họp báo tháng trước. "Là một doanh nghiệp xe điện, Nio phải đối mặt với hiện thực khốc liệt và cố gắng tránh những khó khăn khi sự cạnh tranh trên thị trường leo thang."

Hãng sản xuất ô tô có trụ sở tại Thượng Hải đã cắt giảm 10% lực lượng lao động của mình vào tháng 11 sau khi ghi nhận khoản lỗ 4,56 tỷ nhân dân tệ trong quý 3/2023. Vào tháng 4, Xpeng thông báo rằng họ sẽ điều chỉnh thiết kế và tăng hiệu suất phương tiện vào năm 2024, đồng thời cắt giảm chi phí 25% để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Theo tính toán của China Business News vào tháng 9, ít nhất 15 công ty khởi nghiệp về xe điện triển vọng với tổng sản lượng hàng năm có thể lên đến 10 triệu xe đã phá sản hoặc lâm vào bờ vực phá sản trước sự “đấu đá” quá lớn trên thị trường.

"Các nhà sản xuất ô tô có thể vẫn sẽ phải giảm giá để khiến cho những mẫu xe của họ hấp dẫn đối với người mua", Phate Zhang, người sáng lập của công ty dữ liệu xe điện đặt trụ sở tại Thượng Hải, CnEVPost nói. "Đối với những người tiêu dùng có ngân sách hạn chế, mức chiết khấu 10% (từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ), tương đương với vài tháng tiền tiết kiệm, có thể thuyết phục họ mua phương tiện".

Xem thêm