Quảng cáo

Khởi đầu chậm chạp nhưng Toyota vẫn có thể thay đổi cuộc đua xe điện nhờ "bí kíp" này

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ hai, 24/04/2023 16:23 PM (GMT+7)
A A+

Ông Koji Sato - tân CEO Toyota đã vạch ra một kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp thương hiệu Nhật Bản gia tăng đáng kể năng suất và lợi nhuận.

“Kế hoạch này sẽ là một khái niệm khác với những gì chúng tôi đã làm cho đến thời điểm hiện tại”, ông Koji Sato cho biết hôm thứ Sáu (21/4) tại một hội nghị với giới truyền thông.

Ông Sato, người lãnh trách nhiệm thúc đẩy sự khởi đầu chậm chạp của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong cuộc đua xe điện, cho biết nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hiện đang ở giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn phát triển ô tô điện.

Giai đoạn này của Toyota đã khởi động vào năm ngoái với dòng xe điện mang nhãn hiệu bZ chạy trên nền tảng e-TNGA. Tuy nhiên, sự ra mắt của mẫu crossover bZ4X đã thất bại sau khi Toyota phải triệu hồi do lo ngại bánh xe có thể rơi ra.

Sato cho biết Toyota đang học hỏi từ những sai lầm của mình và kết hợp chúng vào nền tảng mới.

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện những cải tiến và sửa đổi để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi sẽ làm điều đó một cách nhanh chóng”, Sato nhấn mạnh.

Toyota sẽ bước vào giai đoạn thứ hai vào khoảng năm 2026. Đó là khi Toyota giới thiệu nền tảng xe điện hoàn toàn mới và xây dựng nhà máy trên toàn thế giới nhằm mục tiêu bán khoảng 1,5 triệu xe điện.

Giai đoạn này sẽ tập trung vào hệ điều hành dành cho ô tô Arene đang được phát triển bởi công ty phần mềm của nhà sản xuất ô tô có tên là Woven by Toyota, trước đây gọi là Woven Planet.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu sau đó khi Toyota tận dụng hệ thống phần mềm và các công nghệ nhằm tạo ra nguồn doanh thu mới, cùng với đó là xây dựng mô hình kinh doanh và chu kỳ phát triển sản phẩm hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Thiết lập mới đang được phát triển sẽ cho phép ô tô điện trong tương lai của Toyota tăng gấp đôi phạm vi hoạt động nhờ sử dụng pin hiệu quả hơn và chỉ yêu cầu một nửa nguồn lực đầu tư, phát triển so với hiện tại.

Sato cho biết năng suất được cải thiện sẽ cho phép Toyota giảm giá và tăng sản lượng.

Sau khi đạt doanh số 1,5 triệu xe điện trên toàn thế giới vào năm 2025, Toyota hình dung sẽ đạt được doanh số khoảng 3,5 triệu xe trên toàn cầu vào năm 2030 khi các phương tiện thuộc Giai đoạn thứ 3 được tung ra thị trường.

Sato đã mô tả xe điện tương lai của Toyota, trong Giai đoạn 3, giống như một loại bánh ba lớp, với mặt ngoài là nền tảng ô tô mới, lớp giữa là hệ điều hành Arene và cuối cùng là các dịch vụ phần mềm.

Toyota đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các đối thủ của mình. Những hãng xe mới này không phải chịu gánh nặng đến từ chi phí lưu bảo trì của các nhà máy hàng chục năm tuổi, chuỗi cung ứng khổng lồ xoay quanh động cơ đốt trong và mạng lưới phân phối phức tạp. 

Nhờ đó, họ có thể đạt được lợi nhuận cao hơn so với những thương hiệu lâu đời.

Ví dụ, công ty thống kê S&P Global ước tính tỷ suất lợi nhuận của Tesla là 20%. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận hoạt động của Toyota dù cũng là cao theo tiêu chuẩn công nghiệp truyền thống nhưng chỉ rơi vào khoảng 10%.

Koji Sato cho biết, nền tảng cho hy vọng của Toyota về ô tô điện là sản lượng xe khổng lồ của công ty. 

Được hỗ trợ bởi doanh số bán hàng cân bằng ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu và một loạt các loại xe hybrid chạy xăng đang kinh doanh có lãi, Toyota có rất nhiều vốn để tài trợ cho việc đẩy mạnh phương tiện điện khí hóa.

Ví dụ, Toyota nhìn thấy tiềm năng lớn cho xe hybrid ở các thị trường mới nổi. Việc mở rộng kinh doanh ở những nơi như Đông Nam Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi sẽ tạo ra lợi nhuận mà Toyota có thể đầu tư ngược vào xe điện cho những nơi như Mỹ và Châu Âu.

Thực tế, Toyota đã đạt được tỷ suất lợi nhuận tốt hơn trên các loại xe hybrid so với xe chỉ chạy bằng xăng.

Việc bán được khoảng 1,5 triệu xe điện chỉ trong 4 năm ngắn ngủi vẫn sẽ chiếm một phần khiêm tốn trong doanh số bán hàng trên toàn thế giới của Toyota. 

Tuy nhiên, đạt được mục tiêu đó vẫn sẽ là một bước nhảy vọt đối với công ty. Toyota hiện chỉ bán được 25.000 ô tô thuần điện trên toàn cầu vào năm 2022.

Cũng trong bài phát biểu ngày 21/4, ông Koji Sato nêu rõ là nhà sản xuất xe hơi có doanh số lớn nhất thế giới, Toyota cam kết thực hiện mục tiêu giảm trung bình 33% lượng khí thải CO2 từ các phương tiện của hãng trên toàn cầu vào năm 2030 và hơn 50% vào năm 2035 so với mức của năm 2019.

Nhà sản xuất ôtô này đặt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Ông nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của bảo vệ môi trường là giảm khí thải.

Theo Autonews

Xem thêm