Quảng cáo

Vụ ô tô Camry gây tai nạn liên hoàn tại Nam Định: Tài xế đối mặt hình thức xử phạt nào?

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ tư, 10/04/2024 09:59 AM (GMT+7)
A A+

Một chiếc ô tô Toyota Camry phóng với tốc độ cao trên đường Điện Biên (Nam Định) vào ngày 9/4 đã gây tai nạn liên hoàn cho các phương tiện khác, khiến nhiều người bị thương.

"Xe điên" đâm liên hoàn khiến nhiều người bị thương tại Nam Định

Công an TP Nam Định, tỉnh Nam Định đang tiến hành điều tra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường Điện Biên vào khoảng 17h30 ngày 9/4. 

Theo báo cáo ban đầu, một người đàn ông lái ô tô Toyota Camry màu đen với biển số 30E-659.xx đã mất kiểm soát, va chạm với một xe đạp điện đang di chuyển cùng chiều. 

Sau khi gây tai nạn, chiếc ô tô không dừng lại mà tiếp tục va chạm với 2 xe ô tô khác và một chiếc xe máy trước khi lao vào một ngôi nhà dân ven đường và dừng lại. Hiện trường vụ việc kéo dài cả trăm mét, với các phương tiện “gặp nạn” bị hỏng hóc khá nặng, nằm la liệt trên đường.

Cụ thể, Xe Camry gây tai nạn biến dạng hoàn toàn phần đầu; xe Toyota bị hư hỏng phần đầu; xe đạp điện và xe máy biến dạng, hư hỏng nặng. 

Các nạn nhân bị thương đã được kịp thời đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Hiện tại, thông tin về tình trạng sức khỏe của các nạn nhân vẫn đang được cập nhật.

Theo thông tin ban đầu, tài xế gây ra tai nạn là một người đàn ông trung tuổi, có dấu hiệu không tỉnh táo.

Tài xế ô tô gây tai nạn liên hoàn có thể bị xử lý như thế nào?

Theo các chuyên gia, để xác định hình thức xử phạt tài xế ô tô, điều cần làm rõ là yếu tố lỗi của người lái.

Cơ quan điều tra sẽ thu thập dữ liệu hiện trường, dữ liệu hành trình ôtô, từ đó xác định đây hoàn toàn là lỗi do kỹ thuật hay con người. Nếu yếu tố lỗi hoàn toàn do kỹ thuật (xe mất phanh, kẹt chân ga... không thể khắc phục), đây được coi là sự kiện bất khả kháng và tài xế có thể được miễn trách nhiệm hình sự. 

Ngược lại, nếu nguyên nhân sự việc do yếu tố lỗi từ con người (đập nhầm chân ga, mất tập trung, thiếu quan sát...), tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường dân sự cho các nạn nhân.

Dưới góc độ hình sự, luật sư cho biết theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, người nào vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả làm chết người; tổn hại cho sức khỏe người khác từ 61% trở lên; tổn hại sức khỏe từ 2 người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật tối thiểu 61% hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức phạt áp dụng là phạt tiền 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Trường hợp làm chết từ 2 người trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên hay gây tổn hại sức khỏe từ 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ thương tật tối thiểu ở mức 122%, khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội sẽ ở mức từ 3 năm đến 15 năm tù, tùy thuộc các tình tiết định khung.

Xem thêm