Vượt qua hàng loạt đối thủ sừng sỏ, Nguyễn Tiến Minh làm rạng danh cầu lông Việt Nam

Công Thành Công Thành
Thứ tư, 10/04/2024 15:14 PM (GMT+7)
A A+

Nhờ sự xuất sắc của "cây trường sinh" Nguyễn Tiến Minh, cầu lông Việt Nam mới có dịp xưng bá ở giải vô địch châu Á.

Ngày 27/4/2019 đánh dấu một cột mốc đặc biệt trong lịch sử cầu lông Việt Nam khi lần đầu tiên chúng ta giành được tấm huy chương ở giải vô địch châu Á. Và gương mặt đã giúp cầu lông nước nhà đạt được thành tích "vô tiền khoáng hậu" này không ai khác ngoài Nguyễn Tiến Minh - vận động viên xuất chúng bậc nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam.

Từng có ý định giải nghệ sau khi khép lại kì Olympic tại Rio De Janeiro, Brazil năm 2016, song niềm đam mê, khát khao cháy bỏng với cầu lông đã giúp Tiến Minh bước tiếp. Anh tham dự giải vô địch châu Á năm 2019 khi đã 36 tuổi.

Dù đã bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, song Tiến Minh vẫn còn đó đẳng cấp, kinh nghiệm của một tay vợt từng lọt top 5 thế giới để có thể chinh chiến với các đối thủ trẻ.

Đối thủ đầu tiên của Nguyễn Tiến Minh ở giải đấu này là Pui Pang Fong - VĐV người Macau, Trung Quốc khi ấy mới 19 tuổi. Đây là một tay vợt chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu, phải tham dự giải từ vòng loại, nhưng sức trẻ đã giúp Pang Fong có được thắng lợi set 1 rất xuất sắc trước đại diện của chúng ta.

Trên thực tế, Tiến Minh đã có lợi thế dẫn điểm rất an toàn, thậm chí còn có set-point sớm, nhưng Pang Fong đã vùng lên mạnh mẽ để gây nên bất ngờ cho Minh.

Tuy nhiên, ở 2 set sau đó, "Minh ca" đã đưa trận đấu trở về đúng trật tự khi giành thắng lợi vô cùng chóng vánh với đẳng cấp vượt trội. Chung cuộc, Nguyễn Tiến Minh vượt qua Pui Pang Fong với tỉ số 2-1 (21-23; 21-11; 21-9).

Thử thách của Tiến Minh ở vòng 2 lớn hơn rất nhiều khi anh phải đụng độ Shesar Hiren Rhustavito - người đã loại hạt giống số 5 Kidambi Srikanth ở vòng 1. Tay vợt người Indonesia cũng từng đăng quang Việt Nam mở rộng trước đó 1 năm sau khi đánh bại chính Tiến Minh ở tứ kết.

Trước một đối thủ mạnh, Tiến Minh nhập cuộc rất cẩn trọng. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh dày dặn, tay vợt quê Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến những pha xử lí cầu tinh tế để thắng 21-15 trong set 1.

Dẫu vậy, "Minh ca" đã thất thủ nhanh chóng trong set 2, buộc trận đấu phải bước sang set 3 quyết định. Tại đây, Tiến Minh lấy lại được thế trận, hoàn toàn áp đảo Rhustavito để có được thắng lợi chung cuộc 2-1 (21-15; 13-21; 21-13), qua đó có lần thứ 2 lọt vào tứ kết giải vô địch châu Á trong sự nghiệp.

Tưởng như việc phải đối đầu với Chen Long - nhà cựu số 1 thế giới, HCV Olympic 2016 sẽ là dấu chấm hết cho hi vọng tiến sâu của Nguyễn Tiến Minh, tay vợt người Trung Quốc lại bất ngờ xin rút lui, đồng nghĩa với việc Tiến Minh giành tấm vé vào bán kết, đối đầu với Kento Momota.

Từng giành 3 chiến thắng trong 5 lần đối đầu với Momota trước đó, song việc bước qua thời đỉnh cao cùng với phong độ ấn tượng của Momota đã khiến Tiến Minh không thể tạo nên bất ngờ. Anh chỉ có thể làm khó được tay vợt người Nhật Bản trong set 1 trước khi hoàn toàn bất lực trước đối thủ trong set 2, chấp nhận trận thua chung cuộc 0-2 (18-21; 8-21). Momota sau đó đã vô địch giải đấu với chiến thắng trước Shi Yu Qi trong trận tranh chức vô địch.

Dù phải nhận thất bại, Nguyễn Tiến Minh đã làm nên kì tích cho cầu lông Việt Nam với tấm HCĐ lịch sử. Cùng với những thành tích đáng nể khác như lọt top 5 thế giới, 4 lần dự Thế vận hội, HCĐ giải vô địch thế giới, v.v., Tiến Minh xứng đáng là tượng đài của cầu lông nước nhà nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Xem thêm