Quảng cáo

Ô tô BMW sẽ được tạo thành từ 50% là vật liệu tái chế

Quốc Bình Quốc Bình
Thứ ba, 25/04/2023 12:23 PM (GMT+7)
A A+

Một sáng kiến mới đang được BMW xem xét sẽ tập trung vào cải thiện và ứng dụng vật liệu thu được từ các xe “hết đát” để áp dụng chúng lên những chiếc xe mới.

Tập đoàn BMW mới đây đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững mới thông qua sáng kiến có tên Car2Car. 

Công ty đã sửa đổi các mục tiêu trước đó và hiện tại hướng tới việc tăng số lượng vật liệu tái chế lên 50% trong các mẫu xe mới. BMW đã hợp tác với một số bên liên quan từ ngành công nghiệp tái chế và cộng đồng khoa học để tìm ra cách cải thiện chất lượng của các vật liệu thứ cấp được thu thập từ các phương tiện đã "hết hạn sử dụng".

Nhờ khoản đầu tư trị giá 6,4 triệu euro (gần 7 triệu USD) từ Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức, BMW sẽ nghiên cứu cách tái sử dụng các vật liệu có giá trị như thép, đồng và nhôm (cũng như nhựa và thủy tinh) một cách bền vững hơn.

Trong tương lai, BMW tin rằng những tiến bộ trong việc tháo dỡ và phân loại các bộ phận có thể tái sử dụng trong xe sẽ tạo ra nhiều nguồn tài nguyên hơn để sản xuất ô tô mới.

Tổng cộng sẽ có 500 xe đã hết tuổi thọ - từ Mini, BMW đến Rolls-Royce - sẽ được cung cấp cho dự án. 

Là một nhà sản xuất ô tô cao cấp, BMW cũng phải đảm bảo các nguyên liệu thô tích lũy được từ quá trình tái chế có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với những chiếc xe sang trọng. 

BMW không xa lạ gì với việc sử dụng các vật liệu như vậy. Tỷ lệ hiện tại của các tài nguyên này nằm ở mức khoảng 30%.

Để đạt được mốc 50%, BMW tuyên bố việc tái chế đã được đánh giá trước trong quá trình thiết kế các mẫu xe mới, điều này sẽ giúp mọi thứ trở nên thuận tiện hơn nhiều.

Ví dụ, mẫu xe Mini Countryman thế hệ tiếp theo sẽ chạy trên các bánh xe làm từ 70% nhôm tái chế, trong khi nội thất sẽ chứa các thành phần của chai PET tái sử dụng và thậm chí cả thảm cũ.

BMW từ lâu đã cam kết phát triển bền vững. Kể từ năm 1994, nhà sản xuất này đã vận hành một trung tâm tái chế xử lý tới 10.000 xe mỗi năm. 

Bên cạnh đó, BMW hy vọng sẽ thiết lập được một nền kinh tế tuần hoàn với sáng kiến mới này. 

Cụ thể, nền kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế khuyến khích sử dụng vật liệu thứ cấp và tái chế thay vì tìm nguồn cung ứng vật liệu mới.

Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong dự án này với vai trò tăng tốc và tự động hóa các quy trình mà cho đến nay vẫn được thực hiện thủ công. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để phát hiện các vật liệu có thể tái sử dụng, từ đó tăng chất lượng của vật liệu.

Uwe Kohler, một thành viên cấp cao của BMW cho biết: "Tập đoàn BMW đang tập trung mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ như một động lực thúc đẩy tính bền vững cao hơn trong tất cả các lĩnh vực". 

"Bí quyết của các đối tác khác nhau tham gia vào dự án này có khả năng mở ra những cách hoàn toàn mới để thu được nguyên liệu thô có giá trị. Điều này có thể giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm lượng khí thải carbon khi sản xuất phương tiện.", ông nói thêm.

Bằng cách giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất, BMW có thể bảo vệ việc chế tạo ô tô động cơ đốt trong trong nhiều năm tới. Mặc dù đã ra mắt nhiều loại xe điện ấn tượng, CEO của nhà sản xuất ô tô Đức từng nói rằng ông tin lệnh cấm đối với động cơ đốt trong sẽ là một sai lầm, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết cho xe điện đang bị tụt hậu. 

Trên thực tế, các báo cáo cho thấy BMW đang nghiên cứu các động cơ đốt trong hoàn toàn mới để trang bị  cho một loạt SUV sẽ ra mắt vào năm 2027.

Xem thêm